Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp,
khó lường. Sẽ chẳng có gì phải bàn thêm nếu như không có sự xuất hiện những
thông tin bịa đặt tựa như một loại virus còn nguy hiểm hơn Covid-19 đang phát
tác, gây nguy hại cho cộng đồng.
Các virus này gây ảnh hưởng tới niềm tin của
xã hội, tác động tiêu cực đến hiệu quả phòng, chống dịch của chúng ta. Không
chỉ thế, một số tổ chức phản động, những kẻ cơ hội chính trị, cũng đã lợi dụng
tình hình dịch bệnh Covid-19 để bôi nhọ hình ảnh của đội ngũ cán bộ, hình ảnh
của doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó tìm cách hạ bệ cá nhân, kích động chống đối
Đảng, Nhà nước. Những thứ virus nguy hiểm đó, những hành động đen tối đó cần
phải nhận diện, ngăn chặn và diệt trừ. Quốc gia nào cũng vậy, vào các thời điểm
xảy ra dịch bệnh, thiên tai, tâm lý xã hội rất nhạy cảm. Chính vì thế, chỉ cần
một thông tin bất lợi là rất dễ dẫn đến cảnh hoang mang, thậm chí hoảng loạn.
Việc đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay khô, rồi việc tranh cướp mua mì tôm,
thực phẩm, nước uống, giấy vệ sinh... để tích trữ phòng dịch Covid-19 xảy ra
thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó. Cũng rất may, nhờ hàng loạt những bài
viết có thông tin chính xác, ý kiến phân tích khoa học, thấu tình, đạt lý,
những khuyến cáo tích cực được đăng tải trên báo chí, lan truyền trên mạng xã
hội (MXH) thì trật tự mới được vãn hồi.
Điều đáng nói ở đây là tâm lý hoang mang của
người dân được bắt nguồn từ những thông tin sai sự thật, bị thổi phồng trên MXH
và ngay cả trên một số ấn phẩm của một vài cơ quan báo chí. Một số cá nhân muốn
thể hiện mình trên MXH nên đua nhau cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh
với tần suất sử dụng từ ngữ tiêu cực dày đặc, một số muốn câu view đánh bóng
tên tuổi hoặc phục vụ mục đích bán hàng online nên bịa đặt nhiều thông tin về
dịch bệnh.
Một số tờ báo chỉ chạy đua về tốc độ đưa tin
và độ nóng của thông tin để câu view mà thiếu sự thận trọng trong kiểm chứng
thông tin, thiếu cân nhắc về từ ngữ cũng như cách thức đưa tin, không chú trọng
đưa những thông tin chính thống về phương pháp phòng ngừa dịch bệnh hay trấn an
tâm lý bạn đọc, mà chỉ muốn đưa những thông tin giật gân về dịch bệnh để hút
người đọc. Có thể thấy ngay, những thông tin thiếu trách nhiệm đã gây ra những
tác động tiêu cực tới cộng đồng.
Mới đây, trên MXH lan tràn hình ảnh của một cô
gái đi dự khai trương chuỗi cửa hàng của thương hiệu thời trang Uniqlo kèm lời
đồn thổi đó chính là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam, gây nguy cơ
lây nhiễm bệnh diện rộng. Sau đó, dù Bộ Y tế đã giải thích rõ, bệnh nhân số 17
nhập viện từ ngày 5-3-2020 nên không thể dự lễ khai trương diễn ra sau đó 1
ngày, nhưng dư luận có vẻ vẫn không tin. Và thông tin bịa đặt này đã làm bệnh
nhân số 17 bị mang tiếng oan, phải chịu những lời lẽ cay nghiệt, xỉ vả của cộng
đồng mạng, gia đình cô gái cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đến ngày 10-3, Phòng An
ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội phối
hợp với Công an quận Đống Đa đã triệu tập K.P.T. (36 tuổi) để làm rõ việc đăng
tải thông tin sai sự thật liên quan dịch Covid-19. Theo xác định của cơ quan
công an, ngày 7-3, bà T. tung tin nữ bệnh nhân N.H.N. (người thứ 17 ở Việt Nam
mắc Covid-19) trước khi được cách ly đã dự sự kiện khai trương của Uniqlo tại
Vincom Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa và vui chơi tại một quán bar ở phố Tạ
Hiện, quận Hoàn Kiếm. Cơ quan chức năng xác định thông tin trên là bịa đặt. T.
cũng đã thừa nhận những thông tin mình đăng là thất thiệt và cam kết không tái
phạm.
Hay trường hợp cô gái trẻ tử vong vì bệnh tim,
nhưng lại bị cộng đồng mạng đồn thổi rằng cái chết có liên quan đến dịch bệnh
Covid-19. Những dòng chữ vô cảm, vô trách nhiệm trên Facebook về trường hợp tử
vong này như: “Ai có chắc có bị Covid-19 hay không?”... đã khiến người thân, bạn
bè của cô gái nghi kỵ, không dám đến dự đám tang và đưa người quá cố về nơi an
nghỉ cuối cùng. Gia đình cô gái cũng phải chịu sự kỳ thị, làm đảo lộn cuộc
sống.
Trên MXH mấy ngày qua cũng lan tràn thông tin
bịa đặt về một số người đã bị lây bệnh Covid-19 do ngồi cùng chuyến bay VN0054
với bệnh nhân số 17, kèm theo đó là thông tin và hình ảnh về hoạt động của họ.
Thậm chí có thông tin khẳng định chắc nịch việc một quan chức đã dính Covid-19
nhưng vẫn có mặt ở lễ tang của người thân với khoảng 1.000 người đến viếng, và
đã lây truyền virus theo cấp số nhân. Những kẻ bất lương còn cố tình đánh tráo
hình ảnh để kích động dư luận. Đó là câu chuyện liên quan đến một bệnh nhân
khác: Trên mạng lan truyền hình ảnh một cô gái trẻ đẹp, ăn mặc khá mát mẻ và
một bé gái độ 4-5 tuổi được cho là “bồ nhí” và “con riêng” của bệnh nhân. Thế
nhưng, sự thật đó là một bức ảnh lấy từ một bộ phim!
Tiết lộ thông tin về đời tư bệnh nhân là vi
phạm pháp luật
Một xu hướng nguy hiểm đang xuất hiện trên MXH
và thậm chí trên cả một số tờ báo bới móc thông tin cá nhân và đời tư của các
bệnh nhân Covid-19 để rồi từ đó lên án, chửi bới, dè bỉu, xiên xẹo, nâng quan
điểm. Thậm chí từ những thông tin chưa được xác thực liên quan đến đời tư của
một bệnh nhân, quay sang quy kết, phê phán Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Cần phải thấy rằng, việc bới móc, công bố
thông tin đời tư, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân là vi phạm pháp luật. Điều
8 “Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư” của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009 quy
định rõ bệnh nhân được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư
được ghi trong hồ sơ bệnh án. Thông tin chỉ được phép công bố khi người bệnh
đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn
đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực
tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy
định.
Như vậy, cùng với Bộ luật Dân sự cũng có quy
định về quyền được bảo vệ về bí mật đời tư, hình ảnh... của con người thì Luật
Khám bệnh, Chữa bệnh 2009 còn bảo vệ quyền được giữ bí mật thông tin về hồ sơ
bệnh án của con người. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được cung cấp cho bên thứ
ba trong một số trường hợp nhất định và được pháp luật quy định rõ. Ngoài các
trường hợp quy định thì việc công bố, tiết lộ thông tin về hồ sơ bệnh án của
bệnh nhân là vi phạm pháp luật.
Có một điều mà ai cũng có thể thấy rõ là tính
nhân văn khi phải bảo vệ thông tin đời tư, ngăn chặn hành vi khủng bố về tinh
thần đối với bệnh nhân khi họ đang nằm trên giường bệnh và các y, bác sĩ đang
hết lòng, hết sức điều trị. Trong thời điểm người bệnh đang phải chống chọi với
dịch bệnh nguy hiểm, họ cần có sức mạnh tinh thần rất lớn để vượt qua. Những
lời đồn thổi vô căn cứ, những thị phi và lời nói cay nghiệt có thể khiến người
bệnh khủng hoảng tâm lý. Người bệnh có thể không chết vì virus, mà chết vì sự
cay nghiệt của cộng đồng. Nói lời cay nghiệt nhằm vào những cá nhân cụ thể khi
chưa có bằng chứng rõ ràng hoặc trong thời điểm họ đang trong tình trạng nguy
hiểm đến tính mạng thực chất cũng là những hành vi lệch chuẩn đạo đức./.
Lê Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét