Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

VẪN LUẬN ĐIỆU "CHỌC GẬY BÁNH XE" TẠO DỰNG MÂU THUẪN


Ngày 8-3, CQĐT của Bộ Quốc phòng tống đạt quyết định bắt tạm giam, khám xét nhà riêng Đại tá Đỗ Văn Sang, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 và Đại tá Phạm Văn Giang, nguyên Giám đốc Công ty 72 thuộc Binh đoàn 15 để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sự việc trên lập tức được một số trang mạng xã hội xuyên tạc, “chọc gậy bánh xe”, tạo dựng mâu thuẫn nội bộ với những luận điệu phản động, suy diễn. Từ những hiện tượng đơn lẻ, hành vi vi phạm của một số cá nhân..., các thế lực thù địch xuyên tạc thực tiễn, hướng lái sang luận điệu xưa cũ khi “khuyến cáo” Đảng và Nhà nước “xem lại” chủ trương quân đội làm kinh tế... Nghiêm trọng hơn, từ những hiện tượng nêu trên, một số trang thông tin điện tử, facebook bới móc, thêm thắt, dắt dây, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng.

Có thể thấy rằng, những luận điệu xuyên tạc, gây kích động lần này cũng chỉ là “bổn cũ soạn lại”, không khác nhiều so với những lần trước mỗi khi Đảng, Nhà nước, quân đội phát giác và thực hiện quy trình tố tụng với các cán bộ vi pháp pháp luật. Lần này, vẫn với chiêu thức cũ, chúng đã biến những sự việc cụ thể và sai phạm của các cá nhân, để xuyên tạc, phủ nhận chủ trương đúng đắn trong tham gia xây dựng kinh tế của doanh nghiệp quân đội và bôi nhọ lãnh đạo cấp cao. Từ đó, hạ thấp uy tín của quân đội, phá hoại sức mạnh, chỗ dựa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, công phá vào “thành trì của niềm tin”. Luận điệu thâm độc ấy cần được vạch trần, làm rõ…


* Xử lý nghiêm minh , chủ trương nhất quán

Trước hết, cần khẳng định, việc xử lý các cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao có sai phạm, vi phạm pháp luật là cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, không ngừng làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kháng chiến trước kia và hòa bình, xây dựng đất nước hiện nay.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết chống tham ô, tiêu cực với tinh thần: Xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai. Năm 1950, thông tin Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu vi phạm pháp luật nghiêm trọng được gửi đến Trung ương. Bác Hồ giao Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Phó tổng Thanh tra Quân đội yêu cầu điều tra làm rõ. Ít lâu sau, nhận báo cáo điều tra cụ thể, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Năm 1964, Bác Hồ tiếp tục nhận được ý kiến xin giảm tội cho một cán bộ tha hóa, biến chất là một thứ trưởng. Sau khi xem xét, cân nhắc, Người quyết định: "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt".

Đó chỉ là hai ví dụ trong rất nhiều trường hợp cán bộ sai phạm bị Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết xử lý nghiêm khắc. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII), với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, nhiều vụ đại án với không ít cán bộ cấp cao, trong đó có tướng lĩnh quân đội, công an bị xử lý kỷ luật, pháp luật.

Phải xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ cấp cao là điều không ai mong muốn. Nhưng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” thì nhất định phải loại khỏi đội ngũ những phần tử thoái hóa, biến chất, “kỷ luật vài người để cứu muôn người” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định. Vì thế, việc xử lý các sai phạm của một số cán bộ quân đội, trong đó có người nguyên là cán bộ của Binh đoàn 15 thời gian qua là bình thường. Nó không chỉ thể hiện sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật mà còn củng cố niềm tin của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ, chứ không phải “làm suy giảm năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia của một dân tộc” như sự xuyên tạc của một số đối tượng thù địch với cách mạng Việt Nam.

Việc xử lý nghiêm minh đó tiếp tục thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, trách nhiệm chính trị và thái độ không khoan nhượng của Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng với các sai phạm của cán bộ đương chức cũng như nguyên chức trong quân đội. Đó là sự cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ Quân đội; đúng như chỉ đạo và mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng: Quân đội phải luôn gương mẫu đi đầu, ngăn chặn cho được những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phải vô tư trong sáng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; không ngừng rèn luyện, phấn đấu, giỏi kỹ chiến thuật; giữ gìn mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật… Vì lẽ đó, việc “quy chụp trách nhiệm”, xuyên tạc và bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng hòng hạ thấp uy tín quân đội, chia rẽ nội bộ, làm giảm sút niềm tin của nhân dân là thủ đoạn đầy ác ý, vô căn cứ, cần bị vạch trần và lên án.

Một quan điểm nhất quán nữa của Đảng mà những “săng-ta chính trị” xuyên tạc từ vụ án của một số cán bộ của Binh đoàn 15 vừa qua, đó là chủ trương quân đội làm kinh tế. Có thể thấy, quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế không phải là vấn đề mới mà nó gắn liền với quá trình ra đời, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ở Việt Nam, tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phát triển kinh tế-xã hội là một chức năng cơ bản của QĐND Việt Nam, vừa thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, vừa cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị của quân đội trong việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Quan điểm quan trọng nêu trên cũng đã được hiến định. Điều 68 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) ghi rõ: “... kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh...”. Việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là ở nơi dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế của quân đội cũng chính hướng tới mục tiêu đó.

Một điều dễ nhận thấy trong thực tiễn, đó là, các đơn vị quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương, vùng, miền gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước; tham gia có hiệu quả xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng căn cứ cách mạng, đẩy lùi các hủ tục; xây dựng làng, bản văn hóa; cùng đồng bào các dân tộc xây dựng vành đai biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Như vậy, lao động sản xuất là một nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của QĐND Việt Nam, một nhân tố làm nên nhân cách, phẩm giá Bộ đội Cụ Hồ. Vì thế, những luận điệu đòi “xem lại” chủ trương quân đội làm kinh tế vì cho rằng "sự phối kết giữa quốc phòng với làm kinh tế chỉ tạo ra “quái thai”, là cội nguồn của nhiều vấn nạn"… là không có cơ sở thực tiễn và không thể chấp nhận./.

Lê Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét