Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

TOÀN DÂN TRÊN MẶT TRẬN CHỐNG "TIN GIẢ"


                   
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng toàn cầu. Tại Việt Nam, tính đến 23/3 đã có 124 ca nhiễm (17 ca được chữa khỏi). Hiện ngoài những nỗ lực của Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh thì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt đang  được nêu cao và lan tỏa những hành động tốt đẹp. Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực của chính quyền cùng toàn dân chống “giặc Covid-19” thì không ít những hành động phản cảm, gây khó khăn trong việc khống chế dịch bệnh, đó là nạn “Tin giả”. Không phải tin giả ngày nay mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu. Trước khi mạng xã hội xuất hiện, tin giả thường được thấy trên các tờ tạp chí lá cải hay dưới hình thức lời đồn.
Nhìn chung, bất kỳ khi nào tiếp nhận thông tin, chúng ta đều phải cẩn trọng và cần phải suy nghĩ thấu đáo. Do vậy để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần nhờ sự giúp đỡ của luật pháp, mà còn cần sự cẩn trọng và suy nghĩ thấu đáo của người tiếp nhận thông tin. Dù tin giả không phải là một vấn đề mới trong xã hội nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn nhờ mạng xã hội. Với mạng xã hội và sự thông dụng của mạng Internet hiện nay, việc tạo ra và lan truyền tin tức giả trở nên quá dễ dàng.
Mặc dù hệ thống xử phạt không phải thiếu tính hiệu quả, nhưng sẽ rất khó để chính quyền có thể xử phạt toàn bộ các thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội. Chính vì vậy mỗi người phải có trách nhiệm tự bảo vệ bản thân. Sự tỉnh táo trong lúc đọc và tiếp nhận thông tin là một thói quen cần được xây dựng. Khi người Việt đã cùng chung sống với mạng Internet một thời gian đủ dài và nhiều người dần trở thành nạn nhân, hoặc lâm vào những tình huống bất lợi vì đọc phải tin giả, họ sẽ học được tính kiên trì trong khi chờ đợi nguồn tin đáng tin cậy. Thực tế, những thông tin giả đều là bịa đặt và chắc chắn kẻ tung tin cũng như những người tiếp tay lan tỏa thông tin này trên mạng sẽ phải trả giá.
Chính phủ đang cùng toàn bộ hệ thống chính trị, cùng toàn dân, toàn quân cực kỳ chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19. Chúng ta có đầy đủ năng lực, từ nhân lực đến các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để kiểm soát dịch một cách tích cực. Ngoài lực lượng chủ công là ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, dân phòng, thanh niên, đội ngũ sinh viên trường y dược, các tình nguyện viên thì lực lượng từ các ngành, các khu dân cư... đều được huy động vào việc phòng chống dịch. Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình, tổ chức cách ly và chữa trị kịp thời, ngay cả các phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, huy động các chung cư, các trường dạy nghề, các cơ sở lưu trú làm khu cách ly cũng đã được chuẩn bị chu đáo đáp ứng cho mọi nhu cầu dập dịch…
Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần tất cả cùng vào cuộc, “chống dịch như chống giặc”. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt đó thì mỗi người dân cần thực sự tỉnh táo, bình tĩnh suy xét mọi thông tin, phân biệt những thông tin chính thống với hoạt động tin giả, xuyên tạc… Mỗi người hãy là những cá nhân thông thái trên mạng xã hội, thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận chống “tin giả”./.
  Duy Tồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét