Mấy ngày gần đây, tại khu cách ly
Ký túc xá Đại học Quốc Gia TP HCM (quận Thủ Đức, TP HCM) xảy ra tình trạng hàng
trăm người tụ tập trước khu vực này để tiếp tế thực phẩm, vật dụng sinh hoạt
cho những người phải cách ly. Nguyên nhân do thời gian vừa qua có nhiều ca nhiễm
mới tại TP HCM nên số lượng người phải cách ly do tiếp xúc với những người nhiễm
Covid-19 tăng cao.
Việc tập trung đông người trước khu
vực cách ly là một vấn đề rất đáng lo ngại, có nguy cơ lây lan Covid-19. Các
cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên ở nhà, hạn chế đến nơi tập trung
đông người.
Việc tập trung đông người để tiếp tế
các vật dụng sinh hoạt cho người cách ly vô hình chung đã tạo áp lực lớn cho lực
lượng chức năng. Bởi các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên và nhiều lực
lượng khác đã phải rất vất vả khi lượng người đến cách ly gia tăng cao, nay phải
giải quyết, vận chuyển thêm đồ tiếp tế từ người thân những người đang cách ly
có cả quạt điện, tủ lạnh, phích nước, chăn ga đến đúng người nhận và thực hiện
công tác khử trùng dẫn đến quá tải công việc.
Để đảm bảo cho người bị cách ly, lực
lượng chức năng đã bố trí trang bị những thiết bị, đồ dùng cần thiết, vật dụng
sinh hoạt cho nên không cần thiết cứ vào cách ly thì người thân, gia đình phải
tiếp tế đầy đủ đồ dùng như đang ở nhà. Trường hợp cần thiết phải gửi đồ chỉ nên
gửi những đồ thật sự thiết yếu như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ dùng cá nhân
thường ngày… một cách gọn nhẹ, bảo đảm vệ sinh.
Hiện nay chế độ đối với người bị áp
dụng biện pháp cách ly y tế được quy định tại Điều 2, Thông tư số
32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Được miễn chi phí di chuyển từ nhà
(đối với trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại nhà nhưng có dấu hiệu tiến
triển thành mắc bệnh truyền nhiễm phải thực hiện cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh), từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế
đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác
theo quyết định của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định
số 101/2010/NĐ-CP; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định
tại khoản 3, Điều 13 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP .
Người bị áp dụng biện pháp cách ly
y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện
cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động,
Luật Bảo hiểm xã hội …(nếu có).
Đó là quyền lợi, chế độ, sự ưu đãi,
đãi ngộ của nhà nước đối với công dân Việt Nam - người có nguy cơ mắc dịch bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm covid-19 và những người phải điều trị khi mắc loại bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm này. Đồng thời, đây là những quy định thể hiện sự nhân
văn, nhân đạo và sự quan tâm của đảng và nhà nước đối với công dân khi dịch bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra mà không phải quốc gia nào cũng có quy định như vậy.
Thực tế nhiều quốc gia trên thế giới,
công dân của họ phải thanh toán, chi trả mọi khoản chi phí khi khám, điều trị
covid-19. Có những người mắc bệnh bị điều trị thì hóa đơn thanh toán có thể lên
đến cả tỷ đồng Việt Nam.
Người dân Việt Nam cần phải biết
trân trọng điều này và cùng gánh vác những khó khăn chung của xã hội trong thời
điểm dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát như thời điểm hiện nay. Không nên
tạo áp lực thêm với lực lượng chức năng, gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Địa điểm cách ly có thể là cách ly
tập trung tại cơ sở y tế, cách ly tại khu vực biên giới hoặc cách ly tại những
khu vực khác do ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp quốc gia hoặc ban chỉ đạo
phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh quyết định. Điều kiện cơ sở vật chất của khu vực
cách ly phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nhu cầu của địa phương ở mức độ nhu cầu
thiết yếu, tối thiểu.
Sinh viên, người lao động, làm việc
ở nước ngoài trở về hoàn toàn có thể sinh hoạt một cách bình thường ở các khu
cách ly... Với những người có điều kiện kinh tế khá giả có thể coi đây là một sự
trải nghiệm, có thể giảm bớt nhu cầu hằng ngày của mình trước tình trạng dịch bệnh./.
Tuấn Khương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét