Mấy ngày qua, thông
tin về một số ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam khiến nhiều người lo lắng khi
nghĩ rằng số người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần người bị nhiễm
bệnh “tăng theo cấp số nhân”, dẫn tới số người bị nhiễm bệnh cũng tăng theo cấp
số nhân, Hà Nội và Việt Nam sẽ “thất thủ” như một số nơi khác trên thế giới.
Đây là nguyên nhân cơ
bản khiến người dân Hà Nội và một số địa phương khác có những suy nghĩ và hành
động thái quá, đi ngược lại khuyến cáo của các cơ quan chức năng, làm cho công
tác phòng, chống dịch bệnh càng thêm phức tạp.
Virus SARS-CoV-2 rõ
ràng là rất nguy hiểm, vì tốc độ lây lan trong cộng đồng rất nhanh nếu người
mang mầm bệnh không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Tuy nhiên, không phải
ai tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh cũng chắc chắn bị lây nhiễm.
Dẫn chứng cụ thể ngay
tại Việt Nam, nữ công nhân từ Vũ Hán (Trung Quốc) đi máy bay về Việt Nam, nhập
cảnh tại Cảng hàng không cuốc tế Nội Bài, được xe của công ty đón về trụ sở cơ
quan. Mấy ngày sau, nữ công nhân này bắt xe ra Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), di
chuyển bằng xe khách về huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, người này phát
bệnh và được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, rồi
được chuyển xuống điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Thanh Hóa. Tuy di chuyển trên quãng đường rất xa và trên phương tiện giao thông
công cộng, nhưng không có trường hợp nào bị lây bệnh từ nữ công nhân này. Hay
trường hợp nữ công nhân ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã tiếp
xúc với rất nhiều người thân, họ hàng, khiến 30 người phải cách ly tập trung và
người dân cả xã Sơn Lôi phải cách ly tại địa phương, nhưng chỉ có rất ít người
trong số đó bị lây nhiễm bệnh.
Từ dẫn chứng trên, có
thể khẳng định, không phải ai di chuyển trên chuyến bay VN00054 cũng đều chắc
chắn nhiễm virus SARS-CoV-2; không phải ai tiếp xúc gần, tiếp xúc với người
tiếp xúc gần với người đi trên chuyến bay này cũng đều có thể làm tán phát
virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Việc cách ly những người này chỉ là biện pháp
bảo đảm an toàn cho cộng đồng trong trường hợp có người bị lây nhiễm virus mà
thôi.
Nói như vậy không
phải để khẳng định rằng Covid-19 không nguy hiểm, cứ thoải mái tiếp xúc với
người bệnh hay tới nơi đông người, mà để thấy một điều: Ai cũng có thể phòng
tránh được virus nguy hiểm này nếu thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo các chuyên gia y
tế, virus SARS-CoV-2 chỉ có thể sống từ 5 phút đến 10 phút trên da tay người,
nhưng có thể sống đến hàng chục tiếng đồng hồ trên các bề mặt bám khác, đặc
biệt là kim loại. Virus này sẽ lây nhiễm vào người, khi người này bị dịch tiết
của người bệnh bắn vào mắt, mũi, miệng; hoặc bị virus lan vào mắt, mũi, miệng.
Động tác dễ làm lan virus vào mắt, mũi, miệng nhất chính là đưa tay lên mắt,
mũi, miệng trong khi tay đang bị dính virus còn sống.
Bởi vậy, mọi người
không nên quá hoang mang trước thông tin có thêm ca nhiễm Covid-19, mà hãy bình
tĩnh đón nhận mọi thông tin về dịch bệnh, thực hiện đúng theo khuyến cáo của Bộ
Y tế: Hạn chế đi tới nơi đông người (đặc biệt là không chen lấn, xô đẩy để mua
hàng tích trữ), giữ gìn sức khỏe để tăng sức đề kháng, đeo khẩu trang đúng
cách, súc họng bằng dung dịch sát khuẩn và đặc biệt là thường xuyên rửa tay
bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (nhất là sau khi sờ tay vào các bề mặt
có nguy cơ cao chứa virus), không đưa tay lên mắt, mũi, miệng...
Làm đúng theo khuyến
cáo của Bộ Y tế, chắc chắn Covid-19 sẽ phải đầu hàng./.
Nguyễn Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét