Luật An ninh mạng (đã có hiệu lực hơn một năm), cùng
các văn bản pháp luật khác là liều thuốc "dã tật" nhằm ngăn ngừa
thông tin giả trong bối cảnh nóng bỏng của dịch bệnh COVID-19.
Một năm chưa phải là thời gian dài để đánh giá đầy đủ
tác động đối với xã hội của một đạo luật, nhưng Luật An ninh mạng cho thấy đây
là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật trên không gian mạng, giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền và
nghĩa vụ khi tham gia vào các mạng xã hội. Trên thực tế, khi Việt Nam bắt đầu
phát hiện bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới thì trên mạng xã hội Facebook
lập tức "nảy nở" nhiều thông tin giả mạo, bịa đặt về dịch bệnh này.
Những thông tin đó phần nào đã khiến người dân bị hoang mang, lo lắng. Rất
nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nặng vì lan truyền tin xuyên
tạc.
Kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, lực lượng Công
an đã lập danh sách hàng trăm đối tượng, tổ chức triệu tập gần 200 trường hợp
và xử lý hành chính hơn 30 trường hợp có hành vi tung tin thất thiệt về dịch
bệnh COVID-19. Đó là những đối tượng phát tán tin giả nhằm mục đích "câu
like", "câu view" ở Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa...
Trong đó, cơ quan chức năng xác định có một số trường hợp do thiếu thông tin,
thiếu hiểu biết đã vô tình chia sẻ các thông tin bịa đặt này. Còn một số đối
tượng thì cố tình phát tán thông tin nhằm công kích, nói xấu Chính phủ, các bộ,
ngành trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, nhằm chống phá, gây hoang
mang xã hội. Không chỉ những người dân bình thường, một số nghệ sĩ có tiếng tại
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải làm việc với cơ quan chức năng và bị xử phạt
vi phạm hành chính do đưa thông tin thất thiệt lên mạng xã hội về tình hình
dịch bệnh COVID-19.
Quay lại thời điểm đầu năm 2019, khi Luật An ninh mạng
mới có hiệu lực, bên cạnh đại đa số người dân ủng hộ thì vẫn xuất hiện một số ý
kiến trái chiều. Thậm chí, có những đối tượng với mục đích, động cơ xấu đã lợi
dụng tình hình để kích động, rêu rao rằng một số nội dung được quy định trong
Luật sẽ "bóp ghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận". Tuy nhiên,
thực tế sau hơn một năm Luật có hiệu lực, quyền tự do ngôn luận của người dân
tiếp tục được đảm bảo, miễn là những hoạt động đó nằm trong giới hạn cho phép
của pháp luật Việt Nam. Việc buôn bán, trao đổi hàng hóa trên không gian mạng
trong hơn một năm vừa qua vẫn diễn ra một cách bình thường. Sự ra đời của Luật
thực sự đã khiến cho môi trường của không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh
hơn rất nhiều bởi một lượng lớn thông tin có nội dung xấu, ảnh hưởng đến chuẩn
mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của đất nước đã bị ngăn chặn, xử lý một cách
nghiêm túc, hiệu quả.
Thực thi nghiêm Luật An ninh mạng đã minh chứng một
cách rõ ràng rằng những hành vi tung tin thất thiệt vì động cơ khác nhau đều bị
nghiêm trị. Bên cạnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định
15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn
thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó
quy định các tổ chức, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin
sai sự thật… sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt
tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ
thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín
của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Với tính đặc thù là lan truyên trên internet, mạng xã
hội khó có thể kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc. Luật An ninh mạng,
cùng các văn bản pháp luật khác chưa thể giải quyết dứt điểm "căn
bệnh" tin giả, tuy nhiên đây là liều thuốc "dã tật" để ngăn
ngừa, hạn chế một lượng lớn loại thông tin này. Bên cạnh đó, một phương thuốc
hữu hiệu nữa là tạo "sức đề kháng" cho công chúng, cộng đồng mạng
trước các thông tin xấu độc, để mỗi công dân đủ tri thức, đủ năng lực để nhận
thức, nhận diện các loại tin giả, xấu độc/.
Trọng Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét