Sự bùng phát dịch bệnh
truyền nhiễm luôn là mảnh đất màu mỡ cho mọi thứ thông tin ô hợp vì nó luôn đi
cùng sự bất định rất khó chịu. Đó là thời điểm mà giới chuyên môn hiểu biết
trực tiếp về bệnh ở mức cực tiểu (gần như là số không vì quá mới) trong khi dân
tình lại thắc mắc và muốn biết nhất. Sự bất xứng đó, cùng sự nóng ruột và bất
an càng lúc càng cao trong dư luận, tạo nên một khoảng không lý tưởng cho đủ
loại tin vịt và đồn thổi, kể cả những chiêu trò có tính bịp bợm. Nói đơn giản
hơn, khi đổ xô đi tìm câu trả lời mà không tìm được cái gì cụ thể từ những
người có thẩm quyền, nhất là giới khoa học và quản trị y tế, thì người ta quay
sang bất cứ nguồn nào mà họ có thể tin cậy trong cuộc sống hàng ngày. Không ai
khác đó chính là bố mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp..., những
người thực ra chưa chắc đã biết gì nhiều hơn họ. Cái khác là nếu ngày xưa người
ta chờ những lúc trà dư tửu hậu, hay một hai cú điện thoại để có một "câu
trả lời" thì ngày nay, chỉ cần móc máy ra là ngay lập tức tiếp cận một
nguồn "câu trả lời" vô tận, trên những Facebook, Twitter, YouTube,
Instagram, WhatsApp, vân vân. Ở những nơi đó, câu trả lời không chỉ đến từ
"bạn" (người quen) mà cả "bạn của bạn", rồi "bạn của
bạn của bạn"... Cho nên, thông tin đánh vào các tình cảm tiêu cực - như lo
âu, sợ hãi - dễ lan truyền theo cấp số nhân. Như cái vòng luẩn quẩn: càng sợ,
càng đi tìm "câu trả lời"; càng tìm ra, càng rối, càng sợ, càng
hoảng. Đến lúc nào đó, đúng sai, thật giả không còn là tiêu chí tiếp nhận đầu
tiên: người ta chỉ muốn nghe những gì họ muốn nghe để củng cố niềm tin và định
kiến sẵn có, hơn là cái thật, cái đúng. COVID-19 vì thế chưa lan vào cuộc sống
nhưng đã tràn trên mạng xã hội. Hôm đầu tháng hai, WHO gọi luôn sự nhiễu loạn
này là một "infodemic" - nghĩa là "dịch thông tin", tích
hợp hai từ "infomation" (thông tin) and "epidemic" (dịch
bệnh) - và công bố nó như một trong những chướng ngại lớn nhất cần giải quyết
trong việc chống dịch./.
QUANG MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét