Đúng là không ai có thể phủ nhận một
thực tế là các nước TBCN phát triển đã có được những thành tựu phát triển về
kinh tế, khoa học - công nghệ kéo theo những cải thiện nhất định về điều kiện
sống của người dân. Nhưng đó mới chỉ là cách nhìn thực tại, phiến diện, không thấy
đằng sau và phía trước của sự phát triển ấy là gì.
CNTB đã có nhiều trăm năm phát triển.
Trên con đường phát triển của CNTB, bánh xe vận hành của nó đã lăn đi trong
ngập ngụa máu và nước mắt của nhân loại cần lao, thống khổ trên khắp các lục
địa. Và ngay ở chính các nước tư bản giàu có hiện nay, có ai dám chắc mọi người
dân đều có cuộc sống tốt đẹp. Hàng chục triệu người dân Mỹ không có bảo hiểm y
tế chỉ có cách chờ tử thần khi mắc bệnh. Ở bang Caliphoócnia, quá nửa nam giới
người da đen có ít nhất một lần trong đời phải đi tù...
Làm sao, là người Việt Nam mà ai đó
có thể quên được nỗi thống khổ của nhân dân ta trong đêm trường nô lệ hơn 80
năm dưới ách đô hộ của CNTB thực dân Pháp? Bao nhiêu người dân Việt Nam đã chết
trong các xưởng máy, hầm lò, trên các cung đường, các bến tàu. Gần 20 năm, đế
quốc Mỹ thay chân đế quốc Pháp thiết lập ách thống trị, dày xéo đất nước ta.
Những nhà tù địa ngục trần gian ở Côn Đảo, Phú Quốc..., những vụ tàn sát ở Thái
Bình (Bình Định) năm 1966, Bình Hòa (Quảng Ngãi) năm 1966, Mỹ Lai (Quảng Ngãi)
năm 1968..., vụ B52 ném bom rải thảm khu phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai (Hà
Nội), phải chăng đó không phải là tội ác thấu trời của chế độ tư bản Mỹ?
Vậy mà lạ lùng thay, vẫn có người
bước ra khỏi biên giới đã hết lời khen hay, khen đẹp cho các nước tư bản, cho
các thành phố hào hoa Tây Âu. Họ có biết đâu hoặc cố tình không biết rằng,
những thành phố đó đã trải qua mấy trăm năm xây dựng bằng sức lao động và của
cải của bao thế hệ người lao động và cả của cải bóc lột từ các thuộc địa mang
về.
Đối với Việt Nam, chúng ta bắt tay
vào xây dựng đất nước thống nhất theo con đường XHCN sau cuộc chiến tranh tàn
khốc kéo dài suốt 30 năm. Ngay sau đó, chúng ta lại phải đối mặt với cuộc chiến
tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Những gì chúng
ta có được hôm nay là đáng trân trọng, đáng tự hào, mặc dù chưa phải đã được
như mong đợi. Và công việc xây dựng một xã hội mới chưa từng có tiền lệ, không
bao giờ là dễ dàng, có tính quy luật của nó, không thể xong trong thời gian
ngày một, ngày hai, không thể đốt cháy giai đoạn.
Như vậy, rõ ràng là sai lầm khi chỉ
nhìn vào bề ngoài những gì đang có ở các nước tư bản phát triển để so sánh,
đánh giá tính ưu việt của chế độ TBCN so với chế độ XHCN. Chỉ có bằng sự phân
tích sâu sắc, toàn diện, bằng cách nhìn công bằng, lịch sử mới thấy được nguồn
gốc, bản chất của sự giàu có của các nước tư bản phát triển, mới thấy hết được
những thành công và đóng góp to lớn của CNXH cho sự phát triển của nhân loại và
tiến bộ xã hội./.
Quang Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét