Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cơ
quan chức năng, các cấp chính quyền nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn dân, của
mỗi cá nhân. Mỗi người có thể “đánh giặc dịch” bằng cách cơ bản mà thiết thực
nhất là tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh – giữ gìn vệ
sinh để không lây bệnh từ người khác và khi mình nghi bị mắc bệnh thì tránh hết
sức để không lây cho người khác bằng cách thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly
và cách ly, theo dõi y tế, chấp hành đúng các yêu cầu của các cơ quan chức năng
về phòng, chống dịch.
Đồng hành cùng Chính phủ chống “giặc
dịch” cũng có thể bằng cách hết sức đơn giản – không đưa lên mạng những thông
tin chưa được kiểm chứng, kiên quyết từ chối bấm nút “thích” hay chia sẻ những
thông tin gây hoang mang dư luận.
Đồng thời, bản thân mỗi người cần nhận
thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không
mất bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp từ phía chính quyền. Như Thủ tướng
Chính phủ đã nhấn mạnh: “cách ly là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”, phương
châm chống dịch của Chính phủ là “khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng
mức, không chủ quan”. Đây là lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung sức đồng
lòng thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch.
Các bài học trên thế giới cho thấy, sự
hoảng loạn của số đông có thể làm cho mối nguy cơ của dịch bệnh tăng theo cấp
số nhân. Chẳng hạn, việc mua vét, tích trữ khẩu trang, dịch sát trùng ở ngoài
vùng dịch, những nơi ít bị dịch bệnh đe dọa, khiến cho những người có nhu cầu
thực sự lại không thể tiếp cận với phương pháp phòng dịch tối thiểu và cơ bản.
Chính quyền phải lo xử lý những hệ lụy của sự xáo trộn xã hội, nạn khan hiếm
lương thực – thực phẩm giả tạo, mà không thể tập trung mọi nguồn lực cho việc
phòng, chống dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như
cộng đồng quốc tế đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực phòng, chống COVID-19
của Việt Nam khi dịch mới khởi phát, khi Việt Nam phát hiện và chữa khỏi 16
trường hợp mắc bệnh. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai các biện
pháp cần thiết để khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm nhu cầu hàng hóa của người
dân, đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, từ đó bảo
đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Câu chuyện về bệnh nhân số 17 của Việt
Nam là tiếng chuông cảnh tỉnh với những ai còn chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh.
Điều quan trọng là chúng ta cần rút ra bài học chung về trách nhiệm xã hội của
mỗi cá nhân trong cộng đồng, nhất là thời điểm hiện nay khi công tác phòng,
chống dịch COVID-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới nhiều khó khăn,
phức tạp. Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta có đủ khả năng chiến thắng “giặc
dịch”./.
Hòa Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét