Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

NHẬT KÝ CÁCH LY CỦA MỘT NGƯỜI DÂN TRÚC BẠCH


Như một kỳ nghỉ:
Anh Long tâm sự: “Tôi chia sẻ câu chuyện những ngày cách ly của mình lên mạng xã hội với mong muốn đông đảo người dân được biết và hiểu việc cách ly không có gì đáng sợ, không có gì phải né tránh và mọi người hãy thực hiện trách nhiệm cộng đồng nếu cần phải cách ly. Thực tế bản thân tôi đã trải qua những ngày ở nơi cách ly, tôi thấy mọi chuyện rất bình thường, ở đây, chúng tôi được chăm sóc, quan tâm, thậm chí các nhu cầu như sóng điện thoại, internet vẫn đầy đủ để phục vụ. Ở trong này chúng tôi rất an toàn”.
“Thân gửi anh em, bạn bè và đồng nghiệp
Đêm qua, chính thức em đã được mời đi cách ly bên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở Đông Anh vì lý do nhà em ở gần ổ dịch Trúc Bạch. Hiện em nằm phòng 839 cùng em trai và 2 hàng xóm dưới nhà mình đang ở”.Đó là những dòng chia sẻ đầu tiên khi anh Long bước vào bệnh viện để cách ly. Chẳng hề e ngại, anh Long chia sẻ hết những gì đã biết và nhìn thấy. Bức tranh cuộc sống ở nơi cách ly được anh kể lại khá sinh động với nhiều câu chuyện và diễn biến tâm lý của chính bản thân khác xa với những gì anh tưởng tượng trước đó. Bởi lúc đầu nghe đến hai từ “cách ly” chính anh cũng định từ chối. Anh Long kể với phóng viên qua điện thoại: “Nhà tôi ở ngay sau lưng nhà của bệnh nhân N.H.N đã dương tính với SARS-CoV-2 nên cũng trong diện nghi nhiễm và phải cách ly. Lúc đầu, khi tôi từ ngoài về nhà và nghe tin báo có công an đang ở nhà tôi, phản xạ tự nhiên đầu tiên của tôi là trốn chạy, né sợ. Thậm chí, lúc đó, một vài người bạn gọi điện cũng lo sợ, gợi ý tôi hãy né đi. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh lại, suy nghĩ tôi thấy mình cần phải thực hiện vì đó là trách nhiệm cộng đồng. Khoảng 9 giờ 30 phút tối hôm đó, khi có người của quận gọi điện hỏi tôi ở đâu, mời về đi cách ly, tôi đã làm đúng theo những gì được yêu cầu. Dù tôi biết khả năng nhiễm bệnh của tôi rất thấp, vì ngày nào tôi cũng đi làm tới 3 giờ sáng mới về và buổi trưa là lại đi, không tiếp xúc nói chuyện với ai ở đó trong những ngày gần đây”. Trước khi đi thực hiện trách nhiệm ấy, anh Long còn vui vẻ ăn một bát phở (ngồi 1 mình và mang theo khẩu trang ra đường) xong mới đi về để tập trung. “Lúc đó trong đầu tôi đã nghĩ đến 14 ngày ở nơi cách ly thì sợ nhất là buồn, nhiều nhu cầu sẽ bị hạn chế. Nghĩ vậy, tôi còn mang theo 2 cây thuốc, 2 chai whisky và không quên chiếc đàn guitar để “mua vui” cho mình. Về nhà, tôi bình tĩnh nhét đồ vào vali, tắm rửa sạch sẽ. Khoảng 2 giờ sáng, tôi chủ động gọi điện thoại cho cán bộ nói là đã sẵn sàng và ngay sau đó, xe 115 đến đón tôi cùng với một người dân gần đó lên đường sang Đông Anh”. “Trên đường đi trong lòng tôi đầy lo ngại về việc không biết có bị hạn chế thông tin, tịch thu điện thoại không rồi sợ cảnh không được giao tiếp với bên ngoài… Nhưng khi tới nơi thì mọi thứ hoàn toàn khác: Tôi được phân lên tầng 8 và nằm một mình một phòng. Phòng sạch sẽ, toilet trắng phau, ổ điện thoải mái, wifi miễn phí, căng sóng. Tôi vui mừng nghĩ “ổn rồi!” và nhắn tin về cho đình rồi ngủ một giấc ngon lành”, anh Long vui vẻ kể.
Đó là tâm sự của anh Phạm Quang Long (nhà ở 119 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) nói về những ngày ở nơi cách ly tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên khởi phát từ khu anh ở. Từng chi tiết nhỏ, cuộc sống và tâm lý khi ở nơi cách ly được anh kể lại khá thú vị, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với mong muốn kêu gọi cộng đồng thực hiện trách nhiệm với xã hội khi cần phải cách ly và để người dân không có cái nhìn kỳ thị với việc cách ly./.
Quang Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét