Hiện nay, trên không
gian mạng lan truyền một thứ “dịch” cũng nguy hại không kém dịch Covid-19. Đó
là “dịch” tin giả, tin xuyên tạc, nhằm mục đích vụ lợi cá nhân hoặc chống phá
đất nước. Do vậy, chống thứ “dịch” này cũng cần kíp và phải đồng bộ với chống
dịch Covid-19.
Từ tin giật
gân câu câu like
Theo thống kê của lực
lượng công an, đến nay đã có khoảng 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông
tin điện tử, blog, diễn đàn và khoảng 600.000 tin, bài, video clip đăng trên
mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19. Trong đó, rất nhiều nội dung chưa được
kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc tình hình, thu hút hàng triệu lượt like,
share, comment.
Đáng nói, nhiều người
thiếu thông tin, “nghe hơi bắc nồi chõ”, đăng tin phỏng đoán theo quan điểm,
nhận thức cá nhân, hoặc cố tình tung tin giật gân, câu view, nhằm mục đích
quảng cáo bán hàng qua mạng. Không ít người dùng mạng xã hội, cũng vì thiếu
hiểu biết nhưng thích thể hiện cái tôi, nhanh tay nhấn like, góp nhặt, chia sẻ
những thông tin sai sự thật, tiếp tay cho “dịch” tin giả.
Đơn cử, liên quan đến
“bệnh nhân 17” N.H.N, các đối tượng tung tin sai lệch rằng, cô gái này đã tham
gia một sự kiện thời trang đông người ở Hà Nội sau khi trở về từ Anh. Trên mạng
facebook còn lan truyền ảnh chụp màn hình được cho là tài khoản cá nhân của
N.H.N với dòng trạng thái “Hiện tại bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe, xin
lỗi người dân cả nước…”.
Nguy hại hơn, có kẻ còn
bất chấp đạo đức xã hội, xuyên tạc chính quyền chuẩn bị lò thiêu cho bệnh nhân
chết vì dịch bệnh; đăng các bức ảnh không rõ nguồn gốc rồi kèm theo chú thích
mang tính kích động, thậm chí người chết vì bệnh tim nhưng lại “gắn” cho nguyên
nhân nhiễm vi rút Corona...
Những thông tin sai sự
thật, có thời điểm đã gây hoang mang dư luận, làm cho một bộ phận người dân
hoảng loạn, đổ xô đi mua lương thực thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…
về tích trữ đề phòng dịch bệnh bùng phát.
Bộ Công an cho biết, đến
nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi
phạm hành chính hơn 146 đối tượng, trong đó có cả những nhân vật có tầm ảnh
hưởng lớn trong công chúng.
Đến tin xuyên tạc, chống
phá
Thừa cơ “đục nước béo
cò”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cũng phát tán trên không
gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc về dịch Covid. Chúng vu cáo Chính phủ ta
bưng bít thông tin, giấu dịch, yếu kém trong xử lý dịch bệnh; kích động người
dân đình công, gây hoang mang dư luận, hòng tạo ra tình trạng bất ổn,
chia rẽ trong nội bộ, làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Cũng liên quan đến “bệnh
nhân 17” N.H.N các đối tượng phản động đã xuyên tạc rằng cô gái chỉ
là “con dê tế thần” để giúp Chính phủ Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài,
hợp thức hóa cho việc bùng phát bệnh dịch không phải do người Trung Quốc nhập
cảnh vào Việt Nam gây ra.
Khi nước ta bước đầu
thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh lây lan, được WHO ghi nhận và nhiều
nước đánh giá cao, thì những kẻ cơ hội lại trắng trợn xuyên tạc “Việt Nam tuyên
bố chữa trị thành công cho 16 ca nhiễm Covid-19 chỉ là con số lừa mị để trấn an
dư luận”. Rồi chúng tung tin bịa đặt số người bị nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lên
tới mấy trăm người và hàng chục người đã tử vong…
Khi các cơ quan chức
năng của ta tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh, xử lý những
người phát tán thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 thì các thế lực thù địch
rêu rao Đảng, Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do, dân chủ...
Cũng theo thông tin từ
Bộ Công an, các đối tượng xấu thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản
Facebook, Zalo, You Tube… để phát tán, chia sẻ các bài viết, lồng ghép hình
ảnh, video xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng bịa đặt thông
tin gây shock về số người chết do nhiễm Covid-19; kêu gọi người dân tự chữa trị
tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế. Lợi dụng chính sách mua quảng cáo trên
nền tảng công nghệ Facebook, chúng còn chi tiền để chạy quảng cáo có nội dung
chống phá chế độ…
Làm gì để
chống “dịch” tin giả?
Muốn chống “dịch” tin
giả, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần kịp thời, minh bạch hơn nữa trong
việc cung cấp thông tin về dịch Covid-19, không để kẻ xấu lợi dụng dẫn dắt dư
luận. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần sử dụng tổng hợp các kênh thông tin,
kể cả mạng xã hội, để tuyên truyền, phổ biến, định hướng cho nhân dân nhận thức
đúng về tình hình và diễn biến dịch bệnh. Khi đó mỗi người dân sẽ tự phân biệt
được phải trái, tự “miễn dịch” với tin giả. Kẻ xấu vì thế sẽ khó chiếm lĩnh
được “khoảng trống thông tin” trên mạng, “dịch” tin giả khó có không gian “ký
sinh”, lan truyền.
Các cấp, các ngành cần
tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm của công dân
khi sử dụng mạng xã hội. Đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ để sàng
lọc, phát hiện ngăn chặn tin giả về dịch Covid-19 trên mạng ngay từ khi mới
khởi phát; xác minh, xử lý nghiêm, đúng pháp luật những hành vi lợi dụng dịch
bệnh tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc, chống phá đất nước.
Các cơ quan báo chí kịp
thời đăng tải những thông tin chính xác, minh bạch về tình hình dịch bệnh và
cuộc chiến chống dịch của nước ta; những hướng dẫn, chỉ dẫn của chính quyền và
cơ quan chức năng về biện pháp phòng chống dịch cho người dân; tuyên truyền
những gương điển hình để lấy cái “đẹp dẹp cái xấu”, lan tỏa thông điệp chung
tay phòng chống dịch trong cộng đồng.
Và hơn hết, trong xã hội
truyền thông số, mỗi người dân vừa là người tiếp nhận vừa là người sản xuất,
cung cấp thông tin. Chúng ta phải là những người dùng mạng xã hội có hiểu biết
và tuân thủ pháp luật; cảnh giác, tỉnh táo, không tin theo, hùa theo những
thông tin sai trái; biết lường trước hệ lụy cho xã hội và cộng đồng đằng sau
những nút nhấn like, share, enter, comment... Có như vậy chúng ta mới đẩy lùi
được “dịch” tin giả về dịch Covid-19./.
Hồng Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét