Khoảng cách giữa một người có trách nhiệm với một kẻ
tội đồ, có lẽ chưa bao giờ mong manh đến như thế trong cuộc chiến chống lại
Covid-19. Suốt những ngày qua, người dân cả nước như “lửa đốt” khi xuất hiện
trường hợp thứ 17 nhiễm Covid-19 và sau đó, chỉ ít ngày, ghi nhận ca nhiễm thứ
30. Trước đó, Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận đạt kết quả khả quan trong kiểm
soát, phòng chống dịch Covid-19, trong gần 3 tuần liền không hề ghi nhận ca
nhiễm mới, cả 16 trường hợp dương tính với virus này được chữa khỏi. Chúng ta
đã tiến gần đến thời điểm công bố hết dịch, thế nhưng, mọi thành quả đã phải
gác lại để “bắt đầu lại từ đầu”. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của
Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, giai đoạn 2
khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước
đây. Thực tế virus Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta, “đang âm thầm mai phục”.
Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Đây
chính là thời điểm hơn lúc nào hết cần sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự tin
tưởng lẫn nhau giữa người dân và Chính phủ để đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá: Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu
rộng, người dân đi lại nhiều, vì thế nguồn lây nhiễm đa dạng, đòi hỏi có biện
pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây.
Song, nếu bản thân người bệnh có bệnh mà giấu, đi từng vùng dịch về nhưng lại
“khai man”, đánh lạc hướng cơ quan chức năng để tránh cách ly, chưa kể lại sau
khi về nước lại còn giao tiếp với nhiều người, không có biện pháp phòng tránh…
thì lúc đó, chẳng những làm khó cho cơ quan chống dịch, mà còn để lại hậu quả
rất khó lường đối với cộng đồng, trước hết chính là với gia đình bệnh nhân. Thái
độ giận dữ, phẫn nộ của người dân, của cộng đồng trước sự bất cẩn, thiếu ý thức
trong khai báo y tế của một số trường hợp mang mầm bệnh từ nước ngoài về trong
thời gian qua, người viết cho rằng, đó là phản ứng dễ hiểu. Chỉ điểm qua một số
thông tin mới cập nhật sau ca nhiễm thứ 17: Phố Trúc Bạch bị phong toả; hàng
trăm người phải cách ly do trực tiếp hoặc gián tiếp giao tiếp với bệnh nhân. Sau
khi những trường hợp khác nữa được phát hiện, nhiều khách sạn, nhà hàng nơi
bệnh nhân Covid-19 ăn ở bị phong toả. Một khách sạn 5 sao ở Hà Nội cũng bị
phong toả. Hải Phòng phải phong toả 1 tổ dân phố, cách ly toàn bộ thuỷ thủ tiếp
xúc với căn bệnh thứ 30… Hàng loạt kế hoạch của các tổ chức, cá nhân phải huỷ
vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực bị đảo
lộn. Nói thế để thông cảm với thái độ bức xúc của cộng đồng là có cơ sở. Thế
nhưng, ở góc độ nào đó, sự miệt thị và truy lùng của cộng đồng cũng dễ tạo ra
“chứng sợ hãi” và có thể phản tác dụng trong công tác tuyên truyền. Không loại
trừ, điều này sẽ dẫn đến tâm lý lẩn tránh của những người tiếp xúc với mầm
bệnh, những người có biểu hiện của Covid-19, khiến họ không đủ dũng khí để xin
cách ly. Trong khi đó, việc “cách ly” dường như vẫn chưa thực sự được hiểu
đúng. Nhiều người vẫn hiểu cách ly theo chiều hướng tiêu cực, “bị động”, nhưng
thực tế, nhiều người từng tham gia cách ly cho biết, khi cách ly, họ hoàn toàn
thoải mái cả về điều kiện vật chất lẫn tinh thần. Điều quan trọng, đó là cần
thống nhất tư tưởng: “Cách ly chính là hành động trách nhiệm nhất của người bị
nghi nhiễm bệnh với chính bản thân, với gia đình, người thân họ và sau đó là
với cộng đồng”.Nên nhớ rằng, kẻ địch chung của chúng ta là virus, là bệnh dịch,
người bệnh là nạn nhân. Thế nhưng, thái độ giấu bệnh, khai báo gian dối chẳng
những gây bất lợi cho chính bản thân người bệnh mà còn khiến người đó dễ trở
thành “tội đồ” tiếp tay cho dịch bệnh trong con mắt cộng đồng. Và những hành
động ấu trĩ đó, chẳng những bị lên án mà cũng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm.
Lý Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét