Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA CỨNG RẮN NHẤT VỚI TRUNG QUỐC VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ





Hai tháng qua, Trung Quốc cậy mình là nước lớn ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sống bên cạnh Trung Quốc mấy nghìn năm nay, Việt Nam thừa hiểu âm mưu “cá lớn nuốt cá bé” này của Trung Quốc. Nhưng không phải vì là một nước bé mà Việt Nam chịu thua, chịu nhân nhượng một cách phi lý. Mỗi quốc gia có một chiến lược hành động và định hướng chính trị ngoại giao khác nhau. Với Philippines, quốc gia này chọn cách xoa dịu, “làm hòa” với Trung Quốc khi hợp tác khai thác dầu khí. Với Malaysia, Hải quân Hoàng gia nước này đã tiến hành đợt tập trận quy mô nhằm phô diễn sức mạnh tên lửa của mình gần khu vực đang tranh chấp hàng hải. Còn với Việt Nam, ta không chọn cách nương theo mà kiên định, mạnh mẽ hơn như lời nhận định của Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, Mỹ: “Việt Nam là quốc gia cứng rắn nhất đối với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ. Họ lên tiếng phản đối và ngăn chặn nhiều hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông như xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo, phong tỏa và triển khai vũ khí tấn công bao gồm cả tên lửa tại vùng này. Đồng thời, Việt Nam đã huy động lực lượng theo sát hành tung các tàu Trung Quốc trên vùng biển của mình”.
Từ khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã 5 lần tuyên bố chính thức khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Cùng với đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, các đồng chí lãnh đạo nhà nước ta cũng đã lên tiếng phản đối và kêu gọi các quốc gia trên thế giới bày tỏ quan điểm ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhưng đó chưa phải là tất cả, đằng sau đó Việt Nam còn hạ đặt giàn khoan khai thác “Sao Vàng - Đại Nguyệt” siêu to, khổng lồ, nặng 14.000 tấn tại khu vực gần bãi Tư Chính như một cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực này; hay mời gọi các nhà đầu tư Nga, Malaysia, Nhật…hợp tác dầu khí. Bao năm qua Việt Nam đã kiên quyết từ chối chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc bởi chúng ta biết rõ đó chỉ là cái bẫy của gã phương Bắc đưa ra như họ đã và đang làm với Philippines. Nếu đường lối chính sách của Việt Nam trong việc đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo không cương quyết, khôn khéo thì chắc hẳn bây giờ Việt Nam đã là Philippines thứ 2, bị Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa như với Scarbororh từ lâu rồi.
Hiện nay, vấn đề biển, đảo đang bị một số kẻ xấu lợi dụng, gắn với xuyên tạc công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng: nào là một số lãnh đạo “im lặng để đổi lấy vị trí”; chia đôi vị trí Bãi Tư Chính cho Trung Quốc; tung tin giả “Exxon Mobill rút khỏi Cá Voi xanh vì sức ép của Trung Quốc”, “vụ Tư Chính là bước đầu để hợp thức hóa Mật ước Thành Đô”…để kích động nhân dân bức xúc, xúi giục biểu tình, tẩy chay Trung Quốc…Đó là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, đổi trắng thay đen những nỗ lực và quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhà nước ta. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn thể hiện thái độ cứng rắn, kiên quyết chưa bao giờ thể hiện thái độ “hạ mình”, “e sợ”, “dâng biển cho giặc” như một số người rêu rao. Với láng giềng vừa mạnh, vừa cùn, vừa đầy dã tâm chuyên đi bắt nạt nước yếu, coi thường luật pháp quốc tế như Trung Quốc thì không phải cứ gào thét đối đầu là hay, là dũng cảm. Làm sao để vẫn giữ vững được chủ quyền mà không gây tổn hại đến ngoại giao, kinh tế, vị thế đất nước mới khó, chứ rắn mặt “choảng nhau” thì dễ.
Việc Trung Quốc liên tục phớt lờ phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế khi 3 lần đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày một trầm trọng. Tuy nhiên, như lời của Giáo sư Carl Thayer nói rằng: “Trung Quốc đang tìm cách bào mòn quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền. Nhưng với những tuyên bố và hành động thực tế của Chính phủ Việt Nam, tôi tin người Trung Quốc không bao giờ bào mòn được quyết tâm đó”.  Thế giới sẽ đứng về phía Việt Nam. Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự thì càng bị lên án và chịu hậu quả nặng nề. Hiện nay, trên Biển Đông chúng ta có sự chia sẻ lợi ích và sát cánh của cộng đồng quốc tế, không chỉ nhằm duy trì hòa bình, ổn định của khu vực mà còn bảo vệ các quyền tự do hàng không, hàng hải trên toàn bộ vùng nước của Biển Đông.
Văn Luân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét