Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

ĐẤU TRANH VỚI LUẬN ĐIỆU KÊU GỌI “GÁC TRANH CHẤP, CÙNG NHAU KHAI THÁC”.




Vừa qua, sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền trên biển của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ đội tàu, trong đó bao gồm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thì người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Cảnh Sảng lên tiếng “Trung Quốc hy vọng phía Việt Nam thực sự tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở các vùng biển liên quan, không có hành động làm phức tạp tình hình”.
Trung Quốc cho rằng Việt Nam tiến hành khoan dầu khí tại Lô 06-1 và các lô dầu khí trong khu vực này là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và hành động của Trung Quốc là bảo vệ quyền và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Họ đã gắn hoạt động của tàu Hải Dương 8 với việc ta triển khai hoạt động dầu khí tại Lô 06-1 để đổ lỗi và cho rằng ta “phải chịu trách nhiệm” vì “Trung Quốc không phải là bên khởi sự”.
 Đây là chủ trương nằm trong lộ trình “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc với những bước đi đầy thủ đoạn. Trước hết, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà không có cơ sở pháp lý cũng như cơ sở lịch sử. Sau đó dùng thủ đoạn “biến không thành có”, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để buộc bên tranh chấp chỉ song phương giải quyết vấn đề với Trung Quốc mà không có bên thứ 3 và cũng không được quốc tế hóa tranh chấp, đây là thủ đoạn “bóc và bẻ đũa từng chiếc”. Việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam năm 2014, cùng các hành động gây hấn khác từ những năm trước và bây giờ là đội tàu Hải Dương 8 xâm phạm chủ quyền, đe dọa các đối tác liên doanh với Việt Nam trên vùng biển mà Trung quốc tuyên bố chủ quyền phi lý đều nằm trong những mưu toan đó.
Sự hiện diện của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa là sự chiếm đóng bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam như lời phản đối của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận luận điệu từ phía Trung quốc kêu gọi “gác tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Tiến Tiến


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét