Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

TƯ CÁCH CHÍNH TRỊ VIÊN, NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HOÁ




“Thân thiết, công bình, hiểu biết” vừa là phẩm chất đạo đức-chính trị, vừa là phẩm chất nghề nghiệp của người tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhìn từ góc độ văn hóa, ba đức tính “thân thiết, công bình, hiểu biết” của chính trị viên được ví như “sức mạnh mềm” có tác động thẩm thấu, lan tỏa một cách nhẹ nhàng, sâu sắc đến nhận thức, tình cảm, niềm tin của bộ đội.
Với những người làm công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội ta, có lẽ hầu như ai cũng thuộc nằm lòng lời dạy của Bác Hồ: “... Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” (Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị chính trị viên, tháng 3-1948). Lời của Bác ngắn gọn mà cô đọng, súc tích, thể hiện đầy đủ phẩm chất cao đẹp trong tư cách của người chính trị viên trong Quân đội ta. Cách liên tưởng, so sánh trong câu nói của Bác rất giàu hình ảnh, đậm đà tình cảm và chứa đựng những ý tưởng nhân văn, sâu sắc.
- Thân thiết như một người chị. Nhân dân ta có câu “Chị ngã em nâng” để biểu thị mối quan hệ ruột thịt sâu nặng của những người chung một huyết thống luôn biết quan tâm, giúp đỡ và nương tựa vào nhau trong cuộc sống. Người chị bao giờ cũng có đức tính nhường nhịn, vị tha và nâng niu, dạy dỗ em ân cần, nhẹ nhàng, chu đáo. Tình cảm của người chị dành cho em bao giờ cũng dạt dào, thân thương, đằm thắm. Có tấm lòng “thân thiết như một người chị”, chính trị viên sẽ luôn gần gũi, niềm nở, chan hòa với bộ đội, thường xuyên quan tâm chăm sóc tận tình và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chiến sĩ học tập, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, tiến bộ.
- Công bình như một người anh. Từ “công bình” thể hiện sự bình đẳng, công bằng và hợp lý. Nếu Bác mong muốn chính trị viên có tình thương bao la, nhân hậu, bao dung như người chị thì Người lại đòi hỏi một phẩm chất quyết đoán, sáng suốt và công tâm ở người anh. Bởi người anh hội tụ bản lĩnh cương nghị, điềm đạm, chín chắn, biết “cầm cân nảy mực” công tâm, chính xác và là điểm tựa tinh thần vững chắc của người em. Thông qua hai chữ “công bình”, ý Bác nhắc nhở, nhắn nhủ mỗi chính trị viên cần khôn khéo trong giao tiếp ứng xử, chuẩn mực trong giải quyết các mối quan hệ, biết đối nhân xử thế một cách công tâm, tinh tế để góp phần xây dựng bầu không khí thân thiện, chan hòa trong đơn vị; từ đó ngăn ngừa, hạn chế những vướng mắc, mâu thuẫn có thể nảy sinh trong tập thể quân nhân.
- Hiểu biết như một người bạn. Dân gian có câu “Bạn bè là nghĩa tương tri” hàm ý muốn nói mối quan hệ mật thiết keo sơn của tình bằng hữu. Trong quá trình học tập, công tác và giao lưu tiếp xúc, tình cảm bạn bè sẽ được giao kết và xác lập bởi sự sự hòa thuận, tương đồng về tính cách, sở trường, mục đích, suy nghĩ và chí hướng phấn đấu. Sự hiểu biết lẫn nhau là “chất keo đặc biệt” để kết nối và làm sâu sắc thêm tình bạn. Bác Hồ từng nói: “Muốn làm bạn phải hiểu nhau. Nếu không hiểu nhau, không thành bạn”. Vì thế, muốn “hiểu biết như một người bạn” thì chính trị viên đừng quên rèn luyện tác phong sâu sát với bộ đội, ứng xử chân tình với anh em, đồng thời biết quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm để hiểu được hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Mối tâm giao, tri kỷ của người bạn chỉ được củng cố, phát huy khi họ luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với nhau trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập và công tác. Khi chính trị viên hiểu bộ đội như một người bạn chính là một cách tiếp cận con người “từ trái tim đến trái tim”, làm cho mối quan hệ cán binh càng thêm gắn bó, bền chặt.
 “Thân thiết” là biểu hiện đặc trưng của chiều sâu tình cảm; “công bằng” phản ánh thái độ ứng xử, giải quyết quan hệ với cấp dưới một cách khách quan, trung thực, nhân văn; còn “hiểu biết” bao hàm khả năng, trình độ tiếp cận, phán đoán, xem xét, đánh giá bộ đội một cách khoa học. Vì vậy, có thể nói rằng,“thân thiết, công bình, hiểu biết” vừa là phẩm chất đạo đức-chính trị, vừa là phẩm chất nghề nghiệp của người tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhìn nhận từ góc độ văn hóa, ba đức tính “thân thiết, công bình, hiểu biết” của chính trị viên được ví như “sức mạnh mềm” có tác động thẩm thấu, lan tỏa một cách nhẹ nhàng, sâu sắc đến nhận thức, tình cảm, niềm tin của bộ đội.
Là những người trực tiếp tiếp xúc với bộ đội và tổ chức các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị, hơn ai hết, những người chính trị viên ở cấp phân đội nói chung, đội ngũ chính ủy các cấp nói riêng cần không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện để có được đức tính thân thiết của người chị, phẩm chất công bình của người anh và tấm lòng hiểu biết của người bạn. Tất nhiên, để trở thành một người chị mực thước, một người anh gương mẫu không dễ và làm người bạn chân chính của bộ đội cũng không đơn giản chút nào. Nhưng khi “sở hữu” trong mình một trái tim trong sáng, một tình thương nhân hậu, một ý chí mẫn cảm và một thái độ đúng mực đối với bộ đội sẽ giúp chính trị viên thuận lợi trong công tác giáo dục, thuyết phục bộ đội. Bởi “thân thiết, công bình, hiểu biết” góp phần làm cho tư cách chính trị viên tỏa sáng và trở thành “lực hút” lôi cuốn, quy tụ lòng người, gắn kết cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thành một khối thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ./.
                                                                                       Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét