Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

TRẦN ĐẠI NGHĨA “ÔNG VUA VŨ KHÍ” CỦA VIỆT NAM





Trần Đại Nghĩa là cái tên không chỉ giới nghiên cứu lịch sử quân giới trong nước biết đến, mà dường như cả thế giới đều biết đến ông với danh hiệu “ông vua” vũ khí Việt Nam. Ông là một trong những trí thức kiều bào yêu nước đầu tiên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước để phụng sự Tổ quốc.
Trần Đại Nghĩa, tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Xuân Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm lên 6 tuổi, Phạm Quang Lễ chứng kiến sự ra đi của người cha thân yêu. Lời trăng trối của cha “con phải chăm lo học hành, sau này mang kiến thức của mình ra để giúp ích cho đời” đã theo ông suốt cả cuộc đời.
Cuộc gặp gỡ giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris đã trở thành cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cuộc sống của Phạm Quang Lễ. Rời thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp, rời bỏ mức lương 20 lạng vàng 1 tháng, Phạm Quang Lễ cùng với kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước đã theo Hồ Chủ tịch trở về Tổ quốc mang theo tâm nguyện phụng sự đất nước. Trước khi về nước, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã tập trung thu thập hàng nghìn cuốn sách liên quan đến nhiều lĩnh vực mà phần lớn để phục vụ chiến tranh.
“Ông Phật làm súng”
Trở về nước, trong năm 1946, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gay go, ác liệt, Phạm Quang Lễ được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”.
Đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục Quân giới trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ là một thử thách không nhỏ đối với Trần Đại Nghĩa. Tuy nhiên, với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài, cộng với sự thông minh, trí sáng tạo, ông đã nhanh chóng bắt tay vào trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa cùng các đồng chí của mình đã chế tạo thành công súng và đạn bazooka, súng đại bác không giật (SKZ) là những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới. Đây là một kỳ tích phi thường của quân và dân ta. Những loại vũ khí này đã tham gia hầu hết các trận đánh, duy trì cục diện chiến tranh nhân dân, tạo nên những kỳ tích mang màu sắc chiến tranh nhân dân Việt Nam. Khen ngợi những chiến công của bazooka ở chùa Trầm, thấy kỹ sư Trần Đại Nghĩa là người hiền lành, ít nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi ông là “Ông Phật làm súng”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, huyền thoại về ông một lần nữa được viết tiếp khi ông trở thành người hỗ trợ về tinh thần cho những phát minh về quân giới cho đến ngày đất nước giành được độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, chúng ta đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí trang bị bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như: Ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo cho đặc công đánh hiểm, sau này phát triển thành thủ pháo dù cho đặc công đánh sâu trong lòng địch, đặc biệt là cải tiến ĐKB-H12 theo công nghệ của ta từ viện trợ của Liên Xô trước đây.
Sự ra đời của những loại vũ khí mang tên Trần Đại Nghĩa đã đưa trí tuệ Việt Nam vươn tới đỉnh cao của nền khoa học - kỹ thuật thế giới lúc bấy giờ.
Với những cống hiến xuất sắc, năm 1948, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên của Nhà nước Việt Nam. Năm 1952, ông cũng trở thành người trí thức Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1966, ông được phong danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; đồng thời cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí, gồm súng bazooka, súng SKZ và đạn bay của ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.
Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên được thụ phong cấp Tướng năm 1948 và là vị Tướng đầu tiên được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động tại đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952.
 Văn Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét