Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

BÁC BỎ PHÁT NGÔN CỦA TRUNG QUỐC NÓI TÀU HẢI DƯƠNG 8 HOẠT ĐỘNG TRONG VÙNG BIỂN NƯỚC NÀY




Theo đó, tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 19-8, ông Cảnh Sảng ngang nhiên khẳng định nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 luôn hoạt động trong "vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc", đồng thời trâng tráo yêu cầu Việt Nam "tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc". 
Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8, Việt Nam đã nói rõ nhiều lần. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Hành vi xâm phạm vùng biển và cản trở các hoạt động kinh tế của Việt Nam của nhóm tàu Trung Quốc đã bị nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, lên án mạnh mẽ trong thời gian qua.
Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam; luôn thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển tại biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.
Duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông cũng như khu vực và trên toàn thế giới là lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Các nước trong khu vực cũng như trên thế giới cần phải có đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào mục tiêu chung này.
Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.
Việt Nam duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, Điều 56 của UNCLOS-1982 (Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển) quy định: Trong vùng EEZ của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Trong vùng EEZ, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Chiếu theo các quy định của UNCLOS-1982, Bãi Tư Chính không thể là vùng tranh chấp. Không quốc gia nào có quyền trịch thượng “yêu cầu” Việt Nam ngừng công việc thăm dò các mỏ dầu ở khu vực biển thuộc chủ quyền của mình. Do vậy, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS-1982, pháp luật Việt Nam và nếu không được phép của Việt Nam đều là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
Việc cố tình quy kết Việt Nam tiến hành các hoạt động khoan thăm dò dầu khí “một cách đơn phương” tại EEZ của Việt Nam là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Phát ngôn này chủ yếu nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp, để rồi áp đặt cách hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc kẻ mạnh," thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Ngoài ra, Bãi Tư Chính có vị trí cận kề với đường hàng hải quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế và công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam. Các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam sẽ hoàn toàn bình thường, ổn định, nếu không bị các hành vi xâm phạm, bất chấp luật pháp quốc tế, gây phức tạp tình hình.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Việc duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông (trong đó có khu vực bãi Tư Chính) trên cơ sở luật pháp quốc tế đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực và cho cộng đồng quốc tế.
Bởi vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng động quốc tế và mong muốn các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982, nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.
 Trí hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét