Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Không thể phủ nhận những bước tiến về quyền con người của Việt Nam



Xác định con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển đất nước, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực thi đảm bảo quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Vừa qua, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho lưu hành Dự thảo “Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam” lần thứ ba tại Liên hợp quốc, dự kiến họp vào đầu năm 2019. Nhân sự kiện này, một số tổ chức, cá nhân luôn thiếu thiện chí với Việt Nam đã có những chỉ trích, nói đúng hơn là xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu, bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Điển hình là: “Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế” (FIDH) và tổ chức thành viên là “Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam” (VCHR), cho rằng: “Chính phủ Việt Nam không đạt được một tiến bộ nào trong việc thay đổi những luật lệ hà khắc theo các tiêu chuẩn quốc tế và họ cũng không cải tổ về luật pháp theo các nguyên tắc dân chủ…”, “Việt Nam che giấu vi phạm nhân quyền trong báo cáo định kỳ phổ quát”, v.v.
Chúng ta phải khẳng định đây là nhận định hết sức sai trái, hòng phủ nhận, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuân thủ đúng yêu cầu của Liên hợp quốc, trình bày đầy đủ nội dung theo quy định, quy trình soạn thảo; có các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng văn kiện. Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo cơ chế kiểm điểm phổ quát định kỳ (UPR) và đã thực hiện được hầu hết các khuyến nghị mà Liên hợp quốc đưa ra trong kỳ kiểm điểm nhân quyền lần trước cách đây 4 năm (báo cáo lần 2 được thực hiện vào năm 2014). Báo cáo đã rút ra những kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người cũng như những vấn đề đang tồn tại do nguyên nhân khách quan và chủ quan mà Nhà nước Việt Nam đang tập trung giải quyết, chứ không hề che giấu như đánh giá của VCHR.
Trên lĩnh vực thể chế, pháp luật, cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập, ký kết đầy đủ những công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (CAT). Đây là sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người; ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc xúc phạm nhân phẩm con người trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả cơ quan thực thi pháp luật.
Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sửa đổi, ban hành nhiều luật, bộ luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức nói chung và đảm bảo quyền con người nói riêng. Tiêu biểu như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016); Luật Báo chí (năm 2016), đã đặt nền móng cho việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo tốt hơn cho người dân. Ngoài ra, còn có các luật, như: Luật Trợ giúp pháp lý (năm 2017), Luật Đặc xá (năm 2018), v.v. Đáng chú ý, việc ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (năm 2015), cùng với Luật Thi hành án hình sự, đã đảm bảo các phiên tòa và quyền lợi của những người bị tạm giữ, thi hành án đúng pháp luật, v.v.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, là một ví dụ điển hình về bước tiến mới trên lĩnh vực thể chế Quốc gia về quyền con người. Tại Chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã quy định đầy đủ, tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia. Ba nguyên tắc về quyền con người cũng đã được quy định tại chương này. Đó là: 1. Tất cả các quyền con người được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (Điều 14.1); 2. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14.2); 3. “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…” (Điều 31). Điều 25 của Hiến pháp cũng đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều này cho thấy, Nhà nước Việt Nam đã rất tích cực và đạt được kết quả quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Không chỉ vậy, luật pháp Việt Nam còn thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo, vì con người, chứ không “hà khắc” như FIDH nói.
Về phương diện bảo đảm quyền con người trên thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, tổ chức của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực: an sinh xã hội được bảo đảm và tăng cường. Đây chính là cơ sở quan trọng để quyền con người, nhất là những quyền cơ bản được đảm bảo ngày một tốt hơn. Đến năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn. Nhờ đó, 43 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi nghèo đói; tính theo chuẩn mới đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 7%. Việt Nam đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và mầm non năm 2017. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Chất lượng hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao. Đây là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, hiếm có một quốc gia nào trong điều kiện vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài có thể đạt được. Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bầu không khí chính trị, xã hội, diện mạo kinh tế, quan hệ đối ngoại của đất nước đã có những thay đổi quan trọng. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), cả nước có tới 67.485.482 cử tri đi bầu, đạt 99,35%, là minh chứng hùng hồn về việc thực thi quyền tự do, dân chủ, đồng thời phản ánh ý thức chính trị cao của công dân đối với đất nước, mà không thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Với những minh chứng trên, có thể khẳng định rằng, so với thời điểm báo cáo lần 2 (năm 2014), việc bảo đảm quyền con người của Việt Nam trên các lĩnh vực, từ thể chế Quốc gia, pháp luật và trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có bước phát triển mới. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận
Thanh Tùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét