Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

ĐẤU TRANH LÀM THẤT BẠI ÂM MƯU LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG NƯỚC TA





Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và tôn giáo. Mặc dù nguồn gốc, đặc điểm và thời điểm hình thành, phát triển của mỗi tôn giáo có sự khác nhau, nhưng nhìn chung, các tôn giáo luôn có tinh thần bao dung, đoàn kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, hòa chung niềm vui và nỗi đau của dân tộc trong những thời khắc lịch sử, góp phần phát triển và làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam. Tôn trọng và phát huy những giá trị nhân văn của tôn giáo. Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật.
Trong những năm gần đây, các thế lực phản động và thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta. Các thế lực thù địch đã lợi dụng tôn giáo, coi tôn giáo là vũ khí lợi hại để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, với nhiều chiêu thức thâm độc, tinh vi, xảo quyệt; khi thì bí mật, lúc thì trắng trợn, công khai. Vậy tại sao họ lại lợi dụng tôn giáo để chống phá chúng ta? Điều này xuất phát từ bản chất, mục tiêu cao nhất của các thế lực thù địch là lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ không đi theo quỹ đạo của chúng, mà trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Phương thức của chúng là tập hợp, liên kết lực lượng lấy danh nghĩa tôn giáo, thành lập các tổ chức chính trị đối lập, đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ lương - giáo, tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo để dễ bề can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Biểu hiện cụ thể của hoạt động này mà các đối tượng thường sử dụng là lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo để khống chế, kích động quần chúng, tuyên truyền chống chế độ. Lợi dụng thần quyền và hệ thống tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động, khống chế quần chúng, phá rối trật tự an ninh, gây bạo loạn. Lợi dụng các cơ sở tôn giáo ở vùng dân tộc làm nơi cất giấu vũ khí, phương tiện, nơi tụ họp, chỉ đạo hoạt động chống phá. Lôi kéo một số chức sắc, cốt cán trong các tổ chức tôn giáo là người dân tộc thiểu số, móc nối, cấu kết giữa những phần tử phản động trong nước với bọn phản động bên ngoài để hoạt động phá hoại an ninh quốc gia. Lợi dụng những sơ hở thiếu sót của chính quyền địa phương trong giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo... để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền.
Trong những địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các đối tượng phản động và thù địch đang ráo riết tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo một số tín đồ, lập ra một số hình thức tôn giáo riêng như "Tin lành Đề-ga", "Tin lành riêng của người Mông", "Phật giáo riêng của người Khmer" …. Ở vùng đồng bằng, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa  gây ra, nhiều người dân Nghệ An và các tỉnh lân cận đã tham gia các cuộc biểu tình đòi Formosa và Chính phủ bồi thường thiệt hại. Một số chức sắc tôn giáo, những kẻ tự xưng là “nhà đấu tranh dân chủ” đã kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, đập phá phương tiện, cản trở hoạt động giao thông, tấn công người thi hành công vụ, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Khi lực lượng chức năng thực thi chức trách theo quyền hạn thì chúng vu cáo “đàn áp, bắt giữ và đánh đập” người tham gia biểu tình; phát tán những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội như “Thư ngỏ”, “Bản lên tiếng”, “Kháng thư”... với nội dung vu cáo chính quyền bao che cho Formosa “đàn áp” những người đi đòi quyền lợi, kêu gọi người dân khởi kiện Formosa lên Tòa án Hình sự quốc tế... “Tà đạo Vàng Chứ”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, “Pháp luân công”. Nguy hiểm hơn, chúng còn lôi kéo, lập ra một số loại hình tôn giáo riêng cho người dân tộc thiểu số, như: “Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên; “Phật giáo riêng của người Khơme”,…
Ngoài ra, chúng còn phối hợp với một số tổ chức tôn giáo phản động ở nước ngoài như “Phật giáo Việt Nam thống nhất” phát tán tài liệu trên mạng In-tơ-nét với nội dung xuyên tạc, vu khống chính quyền Việt Nam khủng bố, đàn áp, bắt giam, ngăn cản hoạt động tôn giáo của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Số cầm đầu tổ chức người Thượng lưu vong ở Mỹ tổ chức biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; tiếp tục chỉ đạo một số phần tử xấu trong nước thu thập tình hình có liên quan đến dân chủ, nhân quyền và tìm cách lien hệ với một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài để yêu cầu họ giúp đỡ giải quyết vấn đề “Tin lành Đề-ga”...
Trước thực trạng phức tạp về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta cần có cách nhìn toàn diện và có giải pháp khoa học. Phải xác định kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động và thù địch lợi dụng tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là một nội dung trọng tâm của công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội nhằm giữ vững ổn định về chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể quần chúng, các chức sắc tôn giáo cũng như già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân nêu cao cảnh giác, tăng sức đề kháng trước mọi âm mưu mua chuộc, dụ dỗ và kích động của các thế lực phản động và thù địch.
Để thực hiện tốt công tác chính sách tôn giáo cần tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, khắc phục tình trạng yếu kém trong buông lỏng quản lý ở một số địa phương nhất là tuyến cơ sở xã, phường. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở cốt cán trong tôn giáo; làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tín đồ tôn giáo nhằm phát huy tác dụng làm “hạt nhân” trong phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương. Đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách đoàn kết lương - giáo; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm cho cộng đồng ổn định, buôn làng phát triển, gia đình ấm no hạnh phúc. Ngoài ra cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chuyên sâu ở tỉnh, huyện, xã nhằm đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trong tình hình mới. Chủ động nhận diện và đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.
 Sơn Hải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét