Từ khi thành lập từ năm 1944 đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có 14
quân nhân được phong quân hàm đại tướng. Trong đó, có 1 đại tướng đầu tiên và
duy nhất cho đến thời điểm này là người gốc Nam bộ.
Đó là đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nghỉ hưu từ năm 2011. Hiện ông đang ở xứ dừa
Bến Tre.
Sự nghiệp ấn tượng
Căn nhà ven tỉnh lộ 883 thuộc xã An Hiệp (Châu Thành, Bến Tre) rợp mát
bóng dừa. Ông đại tướng uy nghi ngày nào, giờ giản dị với dép lê, quần cộc, đầu
vắt vẻo chiếc mũ rộng vành da nâu, cười hề hề: “Mũ của ông Tổng tham mưu trưởng
quân đội Úc tặng tôi đấy. Có gắn quân hiệu Úc nhưng tôi tháo cất đi” và cười:
“Đội mũ này làm vườn rất mát”.
Dẫn tôi ra góc
vườn, ông chỉ khoảnh đất nhỏ trồng cây vuông vức: “Các anh ấy đã đặt vấn đề khi
tôi chết, cứ chọn chỗ nằm trên nghĩa trang ở TP.HCM hoặc nghĩa trang liệt sĩ
của tỉnh Bến Tre, nhưng tôi lắc đầu: Về quê, sống chết với bà con chòm xóm. Chỗ
này, hai vợ chồng nằm bên nhau khi chết, để khỏi phiền đến tổ chức, quân đội”
và lại cười: “Cả đời phục vụ nhân dân. Giờ già yếu rồi cũng vẫn phải mẫu mực,
không đòi hỏi quyền lợi - tiêu chuẩn. Có thế, người dân và chiến sĩ mình mới
tin tưởng, thương yêu”.
“Hồi trước, nhà
có 7 anh em sống trong căn nhà lợp lá dừa, giữa vườn dừa và ăn dừa thay cơm,
nên giờ xong nhiệm vụ Đảng giao, tôi muốn về lại với dừa”, đại tướng kể vậy rồi
nhớ lại: Ba má sinh tôi ngày 25/12/1945, ở xã Phong Mỹ (Giồng Trôm, Bến Tre) và
đặt tên Nguyễn Văn Nới. Năm 1963, mới hơn 17 tuổi tôi đi theo bộ đội Đoàn Q761
(tức Đoàn Bình Giã) và các chú đặt tên chính thức là Lê Văn Dũng… “Dũng tức là
phải dũng cảm, ở đâu cũng phải làm dũng sĩ”, ông cười tươi.
Ông từng có một sự nghiệp ấn tượng: 24 tuổi là đại úy - Chính trị viên
tiểu đoàn; 29 tuổi, trung tá - Chính ủy trung đoàn; 35 tuổi, thượng tá - Phó Sư
đoàn trưởng, Tham mưu trưởng; 41 tuổi, đại tá - Sư đoàn trưởng; 44 tuổi, thiếu
tướng - Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 trực thuộc Bộ Quốc phòng và 46 tuổi là Tư lệnh
Quân đoàn.
Năm 1995, ông trở lại Quân khu 7 giữ chức Tư lệnh và 1998 về Bộ Quốc
phòng, được thăng hàm trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rồi Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Kế nhiệm ông tại
QK 7 là tướng Phan Trung Kiên (sau là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Tháng 6/2001,
tướng Lê Văn Dũng trở về làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và kế nhiệm chức vụ
Tổng Tham mưu trưởng của ông là trung tướng (lúc bấy giờ) Phùng Quang Thanh.
Ông được Chủ tịch nước thăng quân hàm thượng tướng vào tháng 6/2003, lên đại
tướng tháng 7/2007 cùng với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Đầu năm 2011, ông nghỉ
hưu và trung tướng Ngô Xuân Lịch, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được bầu
vào Ban Bí thư tại kỳ Đại hội Đảng XI, thay ông giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục
Chính trị QĐND VN từ ngày 1/3/2011.
Về hưu trồng dừa
Dẫn tôi thăm
vườn dừa sau nhà, đại tướng Lê Văn Dũng hể hả khoát tay chỉ những buồng dừa sai
quả: “Hơn trăm gốc. Dịp vào mùa mỗi tháng bẻ 400 trái, còn bình quân khoảng 300
trái/tháng. Lo việc bẻ dừa cũng hết ngày” và cười: “71 tuổi, cũng yếu rồi nên
đứng “hò hét” tụi nhỏ thu hoạch là chính. Ngoài ra còn phải chăm mấy cây cảnh
và nuôi gia cầm”.
Năm 2001, khi
đã ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, ông nhất quyết: Nghỉ hưu sẽ về ở quê Phong Mỹ. Thế nhưng,
quê nghèo, bố mẹ ông có tới 7 người con và số đất đai để lại 1.500 m2, chia đều
mỗi người chỉ hơn 200 m2, quá chật hẹp so với gia đình ở miền Tây. Rất may, bố
mẹ bà Nguyễn Thị Duyên (59 tuổi), vợ đại tướng Dũng, chia cho con gái 4.000 m2
đất ngay cạnh sông Hàm Luông và diện tích này được tỉnh thu hồi để xây dựng nhà
máy đường. Số tiền đền bù, bà Duyên nghĩ ngay đến mong ước của chồng, mua ruộng
phèn lầy ven tỉnh lộ 883 xã An Hiệp (Châu Thành, Bến Tre) nhờ anh em họ hàng
cải tạo thành vườn, từ năm 2003. “Tiền tiết kiệm rút hết để thuê người làm
vườn. Lương hằng tháng cũng trích ra để gửi về quê mua cây giống”, bà Nguyễn
Thị Duyên kể và chia sẻ thêm: “Có bao nhiêu tiền là ông ấy dồn hết vào vườn
dừa, nên giờ nghỉ hưu mới đắm đuối vậy. Trừ lúc ăn, còn lại ổng toàn lụi hụi
làm vườn, mặc tôi bếp núc”.
“Với giá 8.000
đồng/trái dừa như hiện nay, mỗi tháng tôi thu về trên dưới 3 triệu đồng, đủ trả
tiền điện nước sinh hoạt và chăm bón cho cả vườn. Mình làm vầy mà còn không đủ
chi phí, nữa là bà con lao động cực nhọc”, đại tướng Dũng thở dài và chỉ những
cây ăn trái trồng ven mương cấp nước vườn dừa: “Mình thử trồng thêm cây ăn trái
trong vườn, nếu thu hoạch tốt sẽ bày cho bà con”. Trong vườn nhà ông, nào là
bưởi đơm trái, và cả những cây sâm mới trồng, đang nhú mầm xanh mát...
“Đàn cu đất,
khi nào có khách mà kẹt thì bắt vài con nhậu chơi” - đại tướng cười sảng khoái
bên gian chuồng nuôi gia cầm, tay ôm trái bưởi vừa hái, hệt ông lão miệt vườn.
Xây nhà, cấp
nước cho người nghèo Bến Tre những ngày đầu tháng 4/2016 hạn mặn, đến đâu cũng
thấy dân than thiếu nước, cây chết. Thế nhưng ở xã Phong Mỹ thì nước máy vẫn ào
ào chảy tới từng nhà và những người dân gật gù: “Nước bác bảy Dũng có từ 10 năm
trước”. Hỏi ra mới biết: Ngay từ năm 2006, trong một dịp về thăm quê, đại tướng
Lê Văn Dũng đã vận động Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam xây dựng hệ thống
cấp nước từ TP. Bến Tre về xã, trị giá 25.000 USD và thời điểm ấy, Phong Mỹ là
xã đầu tiên trong tỉnh có nước máy.
5 năm nghỉ hưu,
ông dành thời gian tìm tới từng nhà các đồng đội cũ đang gặp khó khăn để thăm
hỏi gia cảnh và huy động các cá nhân, doanh nghiệp giúp đỡ. Cũng dọc hành trình
tìm lại đồng đội của ông, mỗi năm có vài chục căn nhà tình nghĩa mọc lên ở các
huyện trong tỉnh Bến Tre. Chị Đỗ Thị Kim Ngân, Bí thư Đoàn xã An Hiệp (Châu
Thành, Bến Tre), kể: “Hôm rồi xã xây dựng đền thờ liệt sĩ, bác bảy Dũng huy
động bà con, anh em trong nhà, người thân quen được 150 triệu đồng để giúp UBND
xã!”…
Về quê sống là
ngon rồi!
Loanh quanh,
lại kể chuyện thời cuộc, đại tướng kể: Khi nghỉ hưu, Bộ Quốc phòng cấp cho ông
220 m2 đất ở Hà Nội do làm liên tục 2 nhiệm kỳ Bí thư Trung ương Đảng, nhưng
ông trả lại và về miền Nam. Ông cười: “Ngày xưa đi chiến đấu, đâu có nghĩ gì
đến quyền lợi. Hoàn thành nhiệm vụ rồi, mà vẫn tị nạnh mấy thứ tiêu chuẩn nhà
cửa, chỗ chôn cất khi nằm xuống, là không nên. Mình dân quê, về quê sống là
ngon rồi!”.
Nghỉ hưu ở quê,
Bộ Quốc phòng bố trí cho ông 1 chiến sĩ nghĩa vụ để phục vụ 2 ông bà. Tuy
nhiên, không bao giờ ông coi đó là người phục vụ, ai đến cũng giới thiệu là con
cháu trong nhà. Khi các chiến sĩ hết nghĩa vụ quân sự ông hướng cho đi học
nghề, ai không muốn đi học, ông lại gửi chiến sĩ ấy cho con gái đang mở quán cà
phê ở Q.7, TP.HCM giúp có công ăn việc làm.
TRí Tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét