Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ
biến và thể hiện những chức năng ưu việt của nó so với các phương tiện truyền
thông khác, nhanh chóng, cập nhật và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nhờ tính tương tác
cao . Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Sự vội vàng, thiếu cẩn
trọng, thiếu kiểm soát trong khai thác và sử dụng mạng xã hội đã dẫn đến những
hệ lụy khó lường như nguy cơ lộ, lọt thông tin liên quan đến bí mật quốc gia,
an ninh, quốc phòng, gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan đơn vị, xâm phạm cuộc sống
đời tư của người khác…
Bắt nguồn từ việc nhận thức
chưa đầy đủ các nguy cơ cũng như thói quen cá nhân từ trước nên có một số quân
nhân đã vi phạm các quy định khi tham gia mạng xã hội. Việc thiếu cẩn trọng
trong việc đăng tải các thông tin, hình ảnh cá nhân, về hoạt động huấn luyện,
SSCĐ, học tập, công tác của các quân nhân lên mạng xã hội đã vô tình tạo điều
kiện cho các thế lực thù địch, những người bất đồng quan điểm khai thác sử dụng
để nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Cùng với đó là sự vội
vàng, cẩu thả, khâu thẩm định, kiểm duyệt thông tin thiếu chặt chẽ của một số
trang báo mạng trong việc khai thác thông tin, hình ảnh từ mạng xã hội, đã gây
nên những hiểu lầm về các sự việc, hiện tượng trong dư luận xã hội. Đặc biệt có
những cá nhân, thành phần bất mãn đã lợi dụng mạng xã hội để gây sự chú ý của
cộng đồng mạng nhằm mục đích khiếu kiện, tố cáo gây hoang mang, hiểu lầm đối với
dư luận quần chúng; đây là một hành vi hết sức nguy hiểm có thể dẫn đến
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Đảng, Nhà nước ta đang
ra sức ngăn chặn.
Nhằm ngăn ngừa việc các quân
nhân vi phạm trong quá trình tham gia mạng xã hội, ngày 22 tháng 8 năm 2014, Bộ
quốc phòng đã ra Thông tư số 110/2014/TT-BQP, ban hành Quy chế quản lý, cung
cấp và sử dụng dịch vụ internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó đối
với các hành vi cá nhân ở Điểm 1, 2, 3, Điều 7, Chương 1 có nêu rõ " Các
hành vi bị nghiêm cấm:
1. Cung cấp, trao đổi thông
tin có nội dung thuộc lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, quốc
phòng qua mạng Internet.
2. Tạo lập và cung cấp thông
tin cá nhân với tư cách quân nhân lên các trang thông tin điện tử, các mạng xã
hội.
3. Truy cập vào các trang
thông tin điện tử mạo danh, phản động, có nội dung không lành mạnh."
Đây là các hành vi mà bất cứ
quân nhân nào khi tham gia mạng xã hội vi phạm đều phải chịu xử lý kỷ luật từ
khiển trách trở lên, căn cứ theo mức độ vi phạm. Đã có rất nhiều bài học về hệ
lụy của việc sử dụng mạng xã hội, vì thế những người tham gia mạng xã hội cần
phải luôn tỉnh táo, cẩn trọng với việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Trước
khi quyết định đăng tải nội dung gì đó cần phải xem xét mức độ, phạm vi tác
động của nó đối với cá nhân, những người xung quanh, cơ quan, đơn vị để từ đó
có hành vi đúng đắn.
Thiết nghĩ, một lần nữa cần
siết chặt các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm, các quy định cụ thể về phát
ngôn để tăng cường sự quản lý kiểm soát, cũng như làm căn cứ cho các quân nhân
khi tham gia mạng xã hội, ngăn ngừa các hệ lụy không mong muốn như đã diễn ra
trong thời gian qua.
Thành Rô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét