Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

“Không học vẫn làm được” - một quan điểm cần phê phán



Học là quá trình tiếp thu tri thức, rèn luyện trí lực, hình thành năng lực tư duy. Mục đích của việc học là học để biết, học để hiểu, học để làm việc có ích cho xã hội. Vai trò của học tập, nâng cao trình độ đối với công tác cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”.

Với ý nghĩa đó, tinh thần “Học, học nữa, học mãi” của V.I. Lênin vẫn vẹn nguyên giá trị trong mọi thời đại, tấm gương không ngừng học tập của Bác Hồ “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau” là sự khẳng định cả về lí luận lẫn thực tiễn vai trò của việc học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết của mỗi cá nhân trong xã hội. Học giỏi có thể chưa làm tốt ngay mọi việc, nhưng không học thì chắc chắn không thể làm giỏi.

Lịch sử anh hùng vẻ vang của cách mạng Việt Nam và những thành tựu mà đất nước, dân tộc ta có được ngày hôm nay là một phần lớn nhờ nỗ lực học tập, cống hiến sức lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu nhất, tiếp đến là các bậc tiền bối của Đảng tới những lớp học tập về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng Việt Nam do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và truyền thụ.

Thực tế cho thấy, “làm được” thông qua hai con đường cơ bản. Một là, bằng cách học tập trong sách vở, ở trường lớp, học qua thực tiễn; hai là, bằng kinh nghiệm, thực hành nhiều, làm đi làm lại nhiều lần thành kỹ năng, kinh nghiệm. Nếu đơn thuần làm theo kỹ năng hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm, hiệu quả không cao, thiếu cải tiến và sáng tạo. Cách làm như trên chỉ phù hợp với các công việc đơn giản, không cần nhiều trí tuệ. Có một số cá nhân không học nhiều vẫn giỏi, thành công và trở thành thiên tài.

Họ có tư chất thông minh, nhạy bén và linh hoạt trong nhận thức cũng như hành động nên đạt kết quả cao trong công việc. Tuy nhiên, chỉ tồn tại số rất ít người như vậy, được xem là “hiện tượng” của xã hội chứ không mang tính phổ quát trong xã hội. Còn đại đa số công việc không học thì không thể làm được. Một cán bộ tuyên truyền nếu không được đào tạo kiến thức lý luận nền tảng, không thường xuyên học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách không mang lại hiệu quả; một cán bộ học tập không đúng chuyên môn, chuyên ngành, không có kiến thức chuyên sâu lại đươc bố trí làm công tác lý luận, tuyên truyền, rồi bao biện cho quyết định của tổ chức và cá nhân mình, thậm chí còn cho rằng “không học vẫn làm được”.

Từ thiếu kiến thức nền tảng, dẫn đến cán bộ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, thiếu tính sáng tạo, non yếu trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, bởi những cán bộ đó thực hiện nhiệm vụ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dễ tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm, thậm chí có thể dẫn đến hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của lí luận, có nơi, có lúc mang tư tưởng coi thường lí luận, chỉ dựa vào kinh nghiệm để xét đoán và giải quyết công việc...

Từ những phân tích trên, cho thấy “không học vẫn làm được” là quan điểm sai trái, mang tính thực dụng, xem thường việc học hành, đào tạo bài bản, hệ thống. Vì coi thường việc học tập mà sinh ra chủ quan, duy ý chí, đề cao kinh nghiệm, hạ thấp vai trò của giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Nhận thức sai lệch đó dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay, như Nghị quyết số 04-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Cán bộ, đảng viên không nắm vững nền tảng lí luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tri thức khoa học xã hội, kiến thức chuyên môn, cho nên khi đứng trước sự vật, hiện tượng, vấn đề mới, họ khó nhận thức đúng, dễ ngộ nhận, và tất yếu hệ lụy là dao động, dễ thoái hóa, biến chất. Đó là cội rễ dẫn tới tiêu cực, sai trái trong hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ dễ bị dao động trước luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo của kẻ thù, càng nguy hiểm hơn dưới tác động của kinh tế thị trường, trước sự cám dỗ của giá trị đồng tiền và sự tấn công của những viên “đạn bọc đường”.
Bên cạnh đó, “không học mà vẫn làm được” dựa trên kinh nghiệm, phụ thuộc vào thói quen và kỹ năng có sẵn còn rơi vào bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, lười vận động và đổi mới tư duy, là căn bệnh hết sức nguy hiểm.

“Không học vẫn làm được” vì chỉ cần có tiền, có ô dù, có người “chống lưng” cũng là một biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống. Bởi cách nghĩ đó là nguyên nhân nảy sinh chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội; lợi dụng thân quen, nể nang trong sắp xếp công tác cán bộ; gây ra thói tự kiêu, tự mãn, cậy nhờ vào “quan hệ”, “tiền tệ”, chạy theo lối sống buông thả, ỷ lại, không học tập, rèn

luyện nhưng lại được bao biện, che đậy, làm thay. Người được cất nhắc, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo nếu không có năng lực thực sự thì chỉ tạo được cho mình một vị trí về mặt hình thức, mà không gây dựng được tín nhiệm đối với cấp trên, với tập thể, thậm chí còn làm sai việc, hỏng việc, gây nguy hại cho tập thể. Quan điểm người không có trí tuệ vẫn có thể giữ chức vụ cao, người không cần năng lực nhưng chạy chọt vẫn được bổ nhiệm là suy nghĩ sai lầm, cổ súy cho những hành động tiêu cực, dựa vào vật chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Vì vậy, phê phán quan điểm “không học vẫn làm được” và ngăn chặn, đấu tranh chống lại những suy nghĩ lệch lạc, sai trái là công việc cấp bách và cần tiến hành thường xuyên trong từng tổ chức đảng, ở mỗi cán bộ, đảng viên. Là lực lượng vũ trang nhân dân, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm và vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, bảo đảm công tác cán bộ thực sự công khai, minh bạch, dân chủ; cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn trên từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường bố trí cán bộ đào tạo chính quy, đúng chuyên môn, chuyên ngành, sắp xếp đúng người, đúng việc; thường xuyên đào tạo, liên tục bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những tri thức cần thiết khác, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, ngang tầm nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Làm tốt công tác này, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải nghĩ cho đúng, thực hành cho nghiêm, tích cực, chủ động đấu tranh chống lại mọi biểu hiện của quan điểm sai trái “không học vẫn làm được” trong giai đoạn hiện nay.



 Văn Thặng









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét