Có
ý kiến cho rằng, Việt Nam sửa đổi và đưa ra các đạo luật gần đây,
nhất là Luật An ninh mạng, nhằm “bóp nghẹt” quyền tự do ngôn luận (trên mạng);
ở Việt Nam “không có tự do internet…”; mục tiêu “lọc thông tin mạng”, kể
cả việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng”
và Luật An ninh mạng cho phép công an điều tra, xác minh các tài khoản trên
mạng vi phạm pháp luật là “vi phạm quyền riêng tư”. Tuy nhiên thực tế cho thấy,
đó chỉ là những luận điệu vu khống của các thế lực thù địch.
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch sử
dụng internet, MXH, đặc biệt là facebook: soạn thảo, đăng tải, chia
sẻ trên trang cá nhân nhiều bài viết, hình ảnh, video clip để tập hợp, mở rộng
lực lượng, tuyên truyền xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Điều 25, Hiến pháp 2013 của Nhà nước Việt
Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông
tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định”.
Luật quốc tế về quyền con người cũng quy
định, quyền dân tộc tự quyết là quyền tập thể của quyền con người. Điều 1, Công
ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị-1966, quy định: “Mọi dân tộc đều có
quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế
chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”… Quyền quyết
định về “thể chế chính trị” ở đây được hiểu là quyền lựa chọn chế độ xã hội (là
chế độ XHCN hay chế độ tư bản chủ nghĩa…) cũng như quyết định về pháp luật như
thế nào là quyền của các nhà nước.
Về các quyền cá nhân, Công ước quốc tế về
các quyền dân sự và chính trị năm 1966 có quy định về hạn chế quyền. Điều 19
(về “quyền giữ quan điểm” và “quyền tự do ngôn luận”) quy định cụ thể như sau:
“Việc thực hiện những quyền này “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc
biệt”, và “có thể phải chịu một số hạn chế nhất định”, để: “(a) Tôn trọng các
quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công
cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Như vậy, những quy định hạn chế quyền nhằm
bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng và quyền cá nhân, như: “Lợi dụng
việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
“Chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống,
xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;…(Điều 5, Nghị
định của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin
trên mạng)… hoặc “Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt,
lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xuyên
tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; lợi dụng
hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an
ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân hoặc để trục lợi” (Điều 8 Luật An ninh mạng)… là hoàn toàn tương thích
với luật quốc tế về quyền con người.
Như vậy, có thể nói tất cả đạo luật của
Nhà nước Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới đều một mặt bảo vệ
chế độ chính trị, bảo vệ nhà nước, mặt khác bảo đảm các quyền con người, quyền
công dân. Không bảo vệ chế độ xã hội, nhà nước hiện hữu thì cũng không bảo vệ
được quyền con người, quyền và lợi ích của công dân.
Hoàng Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét