Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của
các tầng lớp nhân dân, trong đó có các cán bộ hưu trí-những người có kinh
nghiệm thực tiễn, đóng góp tích cực, hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây
dựng bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng dân chủ, một số đảng
viên, cán bộ hưu trí đã có những phát ngôn đi ngược lại quan điểm, đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để các thế lực thù
địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam.
Trước hết phải khẳng định rằng, đại đa
số cán bộ nghỉ hưu, nghỉ công tác luôn giữ vững chí khí cách mạng, tuyệt đối
trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Nhiều cán bộ không những đóng
góp tích cực khi còn công tác mà khi nghỉ hưu cũng luôn gương mẫu, đi đầu trong
vận động, hướng dẫn, tổ chức nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, trở thành tấm gương mẫu mực cho thế
hệ trẻ học tập, noi theo. Đã có rất nhiều cán bộ dành những đồng lương hưu ít
ỏi để giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo khó; có những cựu chiến binh tự nguyện hiến
hàng nghìn mét vuông đất để mở đường, xây dựng các công trình góp sức cùng nhân
dân trong xây dựng nông thôn mới... Tuy nhiên, cũng thật đáng tiếc, vẫn còn một
số cán bộ nghỉ hưu do những bức xúc cá nhân, hoặc không giữ được chí khí người
cộng sản, nói, viết trái đường lối, quan điểm của Đảng, đi ngược lại lợi ích
chính đáng của nhân dân. Có người thậm chí còn phủ nhận tất cả những nỗ lực, cố
gắng không chỉ của dòng họ, gia đình mà còn là sự hy sinh xương máu của cả dân
tộc.
Thực tế, một số cán bộ khi đương
chức thì không có ý kiến đóng góp thẳng thắn cho Đảng, cho đất nước, cho cơ
quan nơi mình công tác, nhưng khi nghỉ hưu thì có biểu hiện phát ngôn tùy tiện,
không mang tính xây dựng, thậm chí sử dụng những thông tin không chính thống để
“đưa chuyện”… Một số đảng viên, cán bộ nghỉ hưu, một phần do thiếu thông tin,
nên khi tham gia mạng xã hội đã có biểu hiện xa rời tổ chức, “luận bàn thế sự”
một cách thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức chính trị, thậm chí bị lôi kéo, kích
động. Đáng lẽ, trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, với nền tảng lý
luận và thực tiễn của mình, được tích lũy trong nhiều năm công tác, những cán
bộ đó phải có lập luận sắc bén, phản biện quyết liệt với những thông tin xuyên
tạc, sai lệch, kiểu “đánh bùn sang ao”, “vơ đũa cả nắm” nhằm kích động, chống
phá Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, không những không làm được điều đó, một số cá
nhân còn nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất; dẫn đến bình luận chủ quan, hoặc
chia sẻ thông tin sai lệch, phiến diện, thiếu tin cậy và không được kiểm chứng.
Khi một số cán bộ nghỉ hưu không giữ
được khí tiết của người cộng sản, phẩm chất cách mạng của người đảng viên,
không giữ được “lòng trong, tâm sáng”, họ bị sa đà và đánh mất mình với những
phát ngôn sai lệch. Họ là những người “khi rời tập thể… dễ tan vào đám đông”,
“tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong chính nội tại bản thân. Đáng
buồn hơn, có những cán bộ sắp nghỉ hưu đã có biểu hiện “chợ chiều cuối khóa” cả
trong thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật phát ngôn.
Vì vậy, trong giai đoạn cách mạng mới
chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt cán bộ
hưu trí luôn kiên định Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội nói và viết đúng với quan
điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói phải đi đôi
với làm; chống hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị
khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức
với lúc về nghỉ hưu”...
Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên hưu trí
cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong đóng góp, hiến kế tham gia xây
dựng đất nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét