Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

LỊCH SỬ CÓ TỰ SUY DIỄN ĐỔI CHÁC ĐƯỢC KHÔNG?



Hiện đang có một số người không phải vì nhận thức thiếu hiểu biết, mà xuất phát từ động cơ chống phá, động cơ vụ lợi hoặc những lý do thấp hèn khác đã cố tình làm biến dạng sự kiện, bản chất lịch sử.
Sự kiện, nhân vật lịch sử không phải là ý chủ quan do ai đó dựng lên, trái lại nó được kiểm chứng, đánh giá qua các tư liệu, dữ liệu có tính khách quan, thuyết phục. Có những sự kiện lịch sử trở thành bản hùng ca, là niềm tự hào về ý chí, nghị lực, sức chiến đấu, chiến thắng của dân tộc, đi sâu vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ, lưu truyền đời này qua đời khác.
Ấy thế nhưng, hiện đang có một số người không phải vì nhận thức thiếu hiểu biết, mà xuất phát từ động cơ chống phá, động cơ vụ lợi hoặc những lý do thấp hèn khác đã cố tình làm biến dạng sự kiện, bản chất lịch sử.
Đáng nói, số này lấy danh nghĩa “nhân sĩ”, “trí thức” và trong thực tế họ từng ít nhiều có ảnh hưởng xã hội do những tác phẩm văn học, nghệ thuật họ đã sáng tác và được công chúng biết đến trong quá khứ. Thậm chí, có người trong chiến tranh đi theo cách mạng, bằng vốn kiến thức và tài năng của mình đã cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng, có ý nghĩa ca ngợi và giáo dục, động viên tinh thần lao động, chiến đấu lúc bấy giờ.
Trong điều kiện hiện nay, vì những lý do và động cơ cá nhân, một số cây bút không giữ vững chính lập trường, tư tưởng, con đường mà mình đã tin và đi theo, dần dần ngả bút, có lời nói, hành động, cho ra đời những sản phẩm tinh thần (tác phẩm văn học, nghệ thuật) có nội dung ngược lại với con đường cách mạng của dân tộc. Họ tự tách mình ra khỏi dòng thời cuộc, từ bỏ, phỉ báng chính con đường mình đã lăn lộn quá nửa đời người để đi theo quan điểm, tư tưởng mà họ coi là “tự do”, “dân chủ”.  
Mỗi khi đọc những tác phẩm, bài viết của những cây bút “trở cờ” này, tôi vẫn luôn đặt câu hỏi động cơ, lý do thực đằng sau những con chữ đó là gì? Nếu là văn sĩ từng kinh qua cuộc chiến vệ quốc của dân tộc, từng đồng cam cộng khổ những năm trước và sau Đổi mới, nay đã bên kia dốc núi cuộc đời, khó thể nói những bài viết trước thì chững chạc, nay lại “non về nhận thức”.
Có nhiều lý do, động cơ chi phối ngòi bút của họ, trong đó bao gồm cả sự chi phối vật chất và sự bất mãn cá nhân. Đó là sự suy thoái chính trị tư tưởng, đánh mất chính mình – điều cốt yếu quy định cốt cách của một người cầm bút. Khi đánh mất chính mình, điều nguy hại là họ dùng sự ảnh hưởng về tên tuổi vốn đã được xã hội thừa nhận trong quá khứ, bằng những tác phẩm nổi danh trong quá khứ để “bắn” vào hiện tại những bài viết, tác phẩm dễ gây nguy hại về tư tưởng cho thế hệ hôm nay.
Một trong những chiêu “gây độc” của không ít văn sĩ theo xu hướng này chính là “viết lại lịch sử”. Nói “viết lại lịch sử” chỉ là một cách bóng gió về hình ảnh, thực chất là phỉ báng, xuyên tạc lịch sử. Bằng ngòi bút của mình, bằng những sự kiện chắp vá hoặc hư cấu, họ biến những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử đã được tôn vinh, ghi danh bằng những câu từ mập mờ “nói lại”, “sự thật”, “tiết lộ”… Không gì khác, đó chỉ là chiêu trò đánh vào tâm lý, tư tưởng vốn dĩ ưa tò mò của không ít người. Mạng xã hội với làn sóng a dua khá phổ biến hiện nay cũng vô tình trở thành môi trường để những trò xảo trá như vậy có đất tung hoành. 
Chúng tôi đã đề cập việc một số người nhân danh văn sĩ, trí thức cố tình nhào nặn, làm biến thái nhân vật lịch sử Võ Thị Sáu. Với chiêu trò tự bịa ra các “nhân vật biết chuyện”, họ làm clip dàn dựng, xuyên tạc nghiêm trọng hình ảnh chị Võ Thị Sáu. Hay mới đây, lại một bài viết kèm “thơ vè” xuyên tạc sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thảm sát tại nhà tù Phú Lợi.
Bài viết đang lan truyền trên facebook do một người khoác áo văn sĩ viết, nói rằng không có vụ thảm sát nào như vậy. Ông nói: “Cái vụ ấy là do ta dựng lên nhằm mục đích chống Diệm” và “đơn giản ngày hôm ấy, có mấy người ăn bánh mì, họ kêu đau bụng và được quản giáo đưa đi”.
Đáng nói, một bài viết đả phá như vậy nhưng lại được không ít người nhảy vào bình luận, cổ súy, dù nhiều người trong số này sinh sau năm 1975, chưa biết nhà tù Phú Lợi ở đâu nhưng cũng “thánh chém” như thật, từ đó phê phán, chỉ trích chế độ là thế này, thế kia. Trong khi đó, đây là sự kiện đã được sử sách ghi rõ, có nhân chứng rõ ràng.
Chiêu trò xuyên tạc sự kiện, nhân vật lịch sử xảy ra ở một số quốc gia và cơ quan bảo vệ pháp luật các nước đã chứng minh ý đồ chính trị phía sau thủ đoạn này. Phiên tòa sơ thẩm ở Bắc Kinh ngày 27-6-2016 đã tuyên ông Hong Zhenkuai (Hồng Chấn Khoái), cựu Tổng Biên tập Tạp chí lịch sử Yanhuang Chunqiu (Viêm Hoàng Xuân Thu) đã phạm tội phỉ báng, làm mất uy tín 5 anh hùng liệt sĩ, đồng thời buộc ông phải công khai xin lỗi các nguyên đơn trên các trang web và báo chí. 
Trong bản luận tội, tòa tuyên các bài báo của ông Hong Zhenkuai đã dựa vào các chứng cứ không đủ tin cậy khiến dư luận phân tâm về một trong những chiến công lịch sử của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Bản luận tội viết: “Những hồi ức mang tính lịch sử và tinh thần dân tộc được phản ánh đầy đủ trong câu chuyện 5 anh hùng Lang Nha Sơn. Câu chuyện của họ là nguồn mạch quan trọng, là thành tố của những giá trị cốt lõi của Trung Quốc hiện đại. Vì thế, hành vi này đã phỉ báng và gây tổn hại đến những giá trị tinh thần của toàn dân tộc”. Thế nhưng, nhà viết sử Hong Zhenkuai bất ngờ phản bác bằng việc dựng lên những nghi vấn, tình tiết nhằm làm tầm thường các nhân vật anh hùng như “có phải 5 anh hùng tự nguyện hy sinh bằng cách nhảy xuống núi hay bị trượt chân”!
Tại Nga, những kẻ cơ hội cũng tìm cách xuyên tạc lịch sử, nhất là trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại đánh tan phát xít Đức năm 1945, xuyên tạc bản chất, ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười.  

Văn hóa dân tộc không thể dung nạp thói vô ơn. Những người được lớn lên từ chiếc nôi văn hóa dân tộc, đi qua khói lửa chiến tranh, vậy mà nay quay lại phỉ báng lịch sử, cười nhạo trên xương máu của tiền nhân. Máu xương của cha anh dù đã tan vào đất đai xứ sở nhưng đó là giá trị thiêng liêng, trường tồn cùng lịch sử, không thể vì bất cứ lý do gì nhạo báng, bỡn cợt. 
Cổ súy cho thứ “chủ nghĩa bác bỏ lịch sử” là âm mưu nguy hiểm mà các thế lực thù địch tìm cách mượn những nhân sĩ, trí thức từng nổi danh hòng dùng uy tín, tên tuổi của họ để “đẻ” ra những bài viết, tác phẩm có nội dung chống phá, xuyên tạc.
Không gì khác, thứ mà kẻ địch đưa ra chiêu dụ thường là vật chất hoặc lợi ích nào đó để “câu” những người đang có tư tưởng dao động, bất mãn. “Để tiêu diệt một vương quốc, đòn trước tiên phải xóa bỏ quá khứ của vương quốc đó” – đây là thủ đoạn đã được cảnh báo ở nhiều quốc gia.   
Văn Thiện


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét