Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Giai cấp tư sản phương tây đang thực hiện tuyên truyền chống phá cách mạng nước ta một cách quyết liệt và có hệ thống



Do mâu thuẫn đối kháng trực tiếp về lợi ích kinh tế, giai cấp tư sản là kẻ thù trực tiếp và toàn diện của giai cấp công nhân, cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp diễn ra ngay từ khi giai cấp công nhân mới ra đời và mang tính chất quyết liệt khi giai cấp công nhân được vũ trang bằng học thuyết chính trị của C.Mác. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã báo hiệu nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa đế quốc, đe dọa địa vị thống trị của giai cấp tư sản trên phạm vi toàn thế giới. Để bảo vệ lợi ích giai cấp, duy trì địa vị thống trị của mình trên phạm vi toàn cầu, giai cấp tư sản đã không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng vô sản hòng tiêu diệt mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa còn non trẻ. Với trụ cột là giai cấp tư sản Mỹ, giai cấp tư sản toàn thể giới đã nhanh chóng hợp lại thành một hệ thống đế quốc chủ nghĩa hùng mạnh về kinh tế, quân sự, công khai đối đầu với hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm hạt nhân. Thất bại trong cuộc đọ sức quân sự, chủ nghĩa đế quốc đã phát động chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước không tuân theo sự lãnh đạo của chúng, từ bên trong bằng biện pháp phi quân sự.
Chủ nghĩa đế quốc luôn coi Việt Nam là một trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hoà bình” chống chủ nghĩa xã hội. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến năm 1975, chủ nghĩa đế quốc dùng hành động quân sự để xâm lược và muốn biến Việt Nam thành thuộc địa vĩnh viễn của chúng nhưng cuối cùng đã bị thất bại hoàn toàn, chúng đã chuyển sang chiến lược mới như “bao vây cấm vận kinh tế”, “cô lập về ngoại giao” kết hợp với “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Lợi dụng thời kì nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, từ năm 1975 - 1994 do hậu quả của chiến tranh để lại và sự biến động chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu, các thế lực thù địch càng ráo riết đẩy mạnh “diễn biến hoà bình” đối với Việt Nam.
Từ năm 1995 đến nay, trước những thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, chủ nghĩa đế quốc lại tiếp tục điều chỉnh thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta. Chúng đã tuyên bố xoá bỏ “cấm vận kinh tế” và bình thường hoá quan hệ ngoại giao để chuyển sang thủ đoạn mới, đẩy mạnh hoạt động xâm nhập như: “dính líu”, “ngầm”, “sâu, hiểm” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Khi Mỹ tiến hành bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố: “Mỹ quan hệ với Việt Nam là vì quyền lợi của Mỹ và để chuyển hóa chế độ chính sách ở Việt Nam theo kiểu Đông Âu và Liên Xô cũ”. Cựu Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Kissinger cho rằng: “Những người cộng sản Việt Nam đã thắng trong chiến tranh, nhưng họ sẽ thua trong hòa bình, trước đây cộng sản dùng súng để đuổi người Mỹ ra khỏi Sài Gòn, ngày nay người Mỹ sẽ dùng dollar để đuổi cộng sản ra khỏi Sài Gòn. Chính phủ Hoa Kỳ đã chi mất 1.000 tỷ USD trong chiến tranh, bây giờ họ cũng không thể để cộng sản yên vị trên đất nước Việt Nam được”. Âm mưu của Mỹ là sử dụng con đường ngắn nhất lôi kéo Việt Nam theo Mỹ, dùng chính trị để phát triển ảnh hưởng kinh tế, dùng kinh tế để chi phối sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dùng quần chúng để tăng thêm sự đối lập của quần chúng với chính quyền và với Đảng.
Mục đích suy cho cùng của các thế lực thù địch là tuyên truyền nhằm phủ nhận những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện thực, tiến tới phủ nhận hoàn toàn học thuyết khoa học Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ở Việt Nam, mục đích của các thế lực thù địch là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gây hoang mang, dao động và chia rẽ trong quần chúng nhân dân, tạo điều kiện tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, phục tùng sự lãnh đạo của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ.
Trí Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét