Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc việc bầu Chủ tịch nước






          Tại hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Trung ương đã giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Liên quan nội dung này, thời gian qua, có một số ý kiến lạc lõng, thiển cận, sai lệch về vấn đề, một số quan điểm có tính quy chụp, xuyên tạc, cố tình tạo dư luận nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Thông qua các trang mạng xã hội, Internet, họ cho rằng đây là việc “nhất thể hóa”, một sự “sao chép”, “rập khuôn”, “một bản sao không hoàn chỉnh” mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc. Thậm chí, họ còn nói rằng, thực chất đó là việc “củng cố quyền lực”, “thâu tóm quyền lực cá nhân”, “không có ý nghĩa cho đất nước”...

          Thực tế, mô hình người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước là điều hết sức tự nhiên trong đời sống chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đây, ở Liên Xô, các Tổng Bí thư đều là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Xô-viết tối cao. Nước CHND Trung Hoa, từ năm 1993 đến nay Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đồng thời là Chủ tịch nước. CHDCND Lào thực hiện mô hình này từ năm 2006 đến nay. Ở Cuba, từ năm 1976 đến tháng 4-2018, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng... Ở Việt Nam, từ Đại hội lần thứ hai của Đảng (tháng 2-1951) đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như vậy, có thể nói, nước ta đã có truyền thống và kinh nghiệm về mô hình người đứng đầu của Đảng đồng thời là Chủ tịch nước.

          Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ rất cao. Những gì mà Tổng Bí thư làm được thời gian qua đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân hình ảnh một người lãnh đạo đầy tâm huyết, bản lĩnh, nói đi đôi với làm và luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên hết; Những luận điệu cho rằng đó là việc “củng cố quyền lực” hay “thâu tóm quyền lực cá nhân” chỉ là một chiêu trò của một số cá nhân chống phá nhằm bôi nhọ danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hạ thấp uy tín của Đảng. Một khi toàn Đảng đã thống nhất, lòng dân đã thuận thì không một thế lực nào, một thủ đoạn nào có thể làm thay đổi được ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam./.
Đình Hanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét