Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC: “CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI LÀ SAY MÊ BẠO LỰC”


Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã xóa bỏ các giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước.

Sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch đã và đang chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và nền tảng tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin. Những âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch trong nhiều thập kỷ qua càng làm nổi bật tầm vóc và ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Thế nhưng, nhằm hạ thấp giá trị nhân văn, nhân đạo và ý nghĩa lịch sử, thời đại của cuộc cách mạng này, các thế lực thù địch dùng nhiều chiêu thức vừa tinh vi, vừa trơ trẽn khi cáo buộc những người cách mạng ở Nga và trên thế giới là “say mê bạo lực”.

Bạo lực cách mạng là quy luật phổ biến của mọi cuộc cách mạng và Cách mạng Tháng Mười cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học (1846), C.Mác và Ph.Ăngghen đã xác định lợi ích của giai cấp vô sản gắn liền với việc xóa bỏ chế độ tư hữu và xây dựng, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Để thực hiện được điều này cần phải tiến hành cách mạng dân chủ bạo lực.

Các giai cấp tư sản, địa chủ không tự nguyện rời bỏ địa vị thống trị, đã điên cuồng dùng bạo lực chống lại nhân dân. Trong điều kiện đó, không có bạo lực cách mạng của quần chúng thì cách mạng không thể thành công. Để bảo vệ thành quả cách mạng, quần chúng công - nông Nga đã đáp lại một cách kiên quyết nhất đối với bạo lực phản cách mạng của bọn địa chủ, tư bản và bọn đế quốc can thiệp. 

Để cách mạng vô sản giành được thắng lợi, phải sử dụng các hình thức đấu tranh, trong đó chủ yếu sử dụng bạo lực, vì vậy, trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ xã hội hiện hành. Mặc cho giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa, trong cuộc cách mạng ấy những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”.

Thêm một sự thật nữa cũng là nguyên lý đó là: Cách mạng phải luôn luôn biết tự bảo vệ. Nguyên lý này càng đặc biệt quan trọng trong những thời điểm bước ngoặt của lịch sử. Rõ ràng là không tự đổi mới thường xuyên và đúng quy luật thì chủ nghĩa xã hội không thể tự bảo vệ có hiệu quả. Ngược lại, nếu cách mạng không biết tự bảo vệ, không kiên định trên những nguyên tắc cách mạng, nhất là từ bỏ bạo lực cách mạng, buông lỏng chuyên chính vô sản, không giữ vững thành quả cách mạng mà nhân dân đã giành được với biết bao mồ hôi và xương máu; nếu từ đội tiên phong đến các cấp chính quyền và tổ chức quần chúng bị rã rời, mất sức chiến đấu, thúc thủ và bất lực trước sức tấn công của kẻ thù thì sẽ chẳng còn gì để đổi mới, cải cách, cải tổ!

Như vậy, sự thật trên đã bác bỏ mọi luận điệu khi cho rằng: Cách mạng Tháng Mười là “say mê bạo lực”. Như vậy, giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn vĩnh hằng và tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét