Phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà
nước Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý
luận, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển
kinh tế thị trường của các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt
Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược,
xuyên tạc, gây cản trở đến quá trình thực hiện mô hình kinh tế này ở Việt Nam
như “Cần định hướng xã hội chủ nghĩa tốt hơn cho nền kinh tế” hay “Đời sống
kinh tế-chính trị ở Việt Nam đầy u uất”.
Khẳng định rằng những
quan điểm trên là hoàn toàn sai trái, tuyên truyền sai sự thật về nền KTTT định
hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hoá. Các
phạm trù (giá trị, giá cả, hàng hoá, tiền tệ), quy luật (giá trị, cạnh tranh,
cung- cầu) của nền kinh tế hàng hoá là các phạm trù, quy luật của KTTT. Các
phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản sử dụng
để phát triển KTTT tư bản chủ nghĩa. KTTT tư bản chủ nghĩa thời kỳ đầu mới ra
đời là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có hoặc rất ít sự can thiệp của nhà nước. Sự
điều tiết của thị trường - “bàn tay vô hình”, ngoài những mặt tích cực còn đưa
đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải
có sự quản lý của nhà nước - “bàn tay hữu hình” để hạn chế, khắc phục những
khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền KTTT hiện
đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý
của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình”, vừa có điều tiết bởi “bàn
tay hữu hình”. KTTT có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới là
không hoàn toàn giống nhau mà có nhiều mô hình khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ
can thiệp và nội dung định hướng can thiệp của nhà nước. Việt Nam đi lên CNXH
từ một nước kinh tế chưa phát triển, bỏ quan chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc
phát triển KTTT định hướng XHCN là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản
xuất, khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển,
từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. KTTT định hướng XHCN là mô hình
kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Mô hình này là một
kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở
và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH.
Thực tiễn hơn 35 năm
đổi mới, phát triển nền kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn,
có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy
tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong
khu vực và trên thế giới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao
động được nâng lên rõ rệt; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được
kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể;
huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực
ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện… Nhiều tổ chức
quốc tế uy tín đánh giá, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành
công nhất thế giới; là điểm sáng trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công
“mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Những kết quả đó là minh
chứng thuyết phục, tự nó đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai
trái, thù địch về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét