Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn đòi “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động


          “Phi chính trị hóa” quân đội là một trong những âm mưu thâm độc, nham hiểm trong chiến lược tổng thể chống phá cách mạng nước ta với mục tiêu tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm thay đổi bản chất giai cấp công nhân của quân đội, khiến cho quân đội không còn là quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, vô hiệu hóa quân đội. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải có những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch, góp phần củng cố và nâng cao sức chiến đấu của Quân đội ta chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

1. Bài học rút ra từ việc “phi chính trị hóa” quân đội của các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây

Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, trong xây dựng quân đội của bất kỳ quốc gia, dân tộc và giai đoạn lịch sử nào, vấn đề lập trường chính trị luôn được đặt lên hàng đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của quân đội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ và vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Tính chất chính trị của quân đội thực chất là vấn đề bản chất giai cấp của quân đội, thể hiện tập trung và rõ nét trong mục tiêu chiến đấu, tổ chức lực lượng, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ; phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội.

Trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã đẩy mạnh chống phá hệ thống xã hội chủ nghĩa bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” thay cho biện pháp chiến tranh xâm lược không còn hiệu quả. Một trong các thủ đoạn mà họ sử dụng là đưa ra khẩu hiệu quân đội phải duy trì tính trung lập, nhằm thực hiện phi chính trị hóa lực lượng vũ trang cách mạng, mà thực chất là tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội - lực lượng đi đầu, nòng cốt, kiên trung của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn này đã được các thế lực thù địch áp dụng thành công tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây, đặc biệt là Liên Xô. Trong thời gian này, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội Liên Xô đã mắc sai lầm chiến lược là từ bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin; xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho quân đội Liên Xô bị “phi chính trị hóa” và dẫn đến bị vô hiệu hóa. Chỉ trong các năm từ 1987 đến 1989, gần 50% cán bộ chiến lược của quân đội và khoảng 30% tướng lĩnh bị cho ra quân; hơn 100 cán bộ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược, chiến dịch của quân đội Liên Xô bị cách chức với lý do “không ủng hộ cải tổ”. Việc thay thế không có sự kế thừa đã tước bỏ dần khả năng lựa chọn hành động đúng đắn của Đảng Cộng sản Liên Xô trước tình hình biến động khó lường. Tháng 3/1990, Đại hội đại biểu bất thường lần thứ ba của Đảng Cộng sản Liên Xô đã chấp nhận từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội (Điều 6, Hiến pháp Liên bang Xô viết: chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập). Sau khi đắc cử Tổng thống Liên bang Nga (năm 1991), Boris Yeltsin đã ban bố sắc lệnh “phi đảng hóa” và tuyên bố cấm các chính đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước các cấp. Ngày 23/8/1991, trước khi M.Goóc-ba-chốp tự ý tuyên bố giải tán Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, giải tán Đảng thì Bộ trưởng Quốc phòng Sa-pô-xni-cốp đã tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô và buộc mọi quân nhân là đảng viên Đảng Cộng sản phải trả thẻ đảng. Tất cả những hành vi đó đều nhằm thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội, làm cho quân đội Xô viết mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu, là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991. Thực trạng nêu trên ở Liên Xô đã khẳng định một lần nữa lời dạy của V.I.Lênin: “Quân đội không thể và không nên trung lập”.

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch rất rõ ràng và nguy hiểm, sự tác động và ảnh hưởng của vấn đề này là rộng lớn và liên quan đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội ta. Nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn đặt ra, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và xây dựng quân đội, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn, định hướng tốt về tư tưởng và nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong quân đội, coi đây là yêu cầu cấp thiết và quan trọng hàng đầu.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã dự báo: “Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu kết với nhau tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và Quân đội ngày càng tinh vi, thâm hiểm, công khai, trực diện hơn…”. Vì vậy, việc định hướng tư tưởng và đấu tranh chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội càng trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Đặc biệt, các thế lực thù địch tiếp tục thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chế độ ta, quân đội ta, mà một trong các thủ đoạn của chúng là đòi “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”. Từ bài học của những người cộng sản Liên Xô khi không nhận thức hết hậu quả việc “phi chính trị hóa” quân đội mà các thế lực thù địch đang triển khai lúc bấy giờ.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam

Đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng “phi chính trị hóa” quân đội là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; trong đó, quân đội là lực lượng nòng cốt. Để làm tốt vai trò lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, giữ vững sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; gắn xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt. Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong quân đội phải thật sự là tấm gương để quần chúng noi theo; đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tạo được “sức đề kháng” mạnh mẽ trước sự xâm nhập của những khuynh hướng, quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch. Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm hạ thấp và xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy, gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, trong đó cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 769-NQ/QUTW ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo. Chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy gương mẫu về mọi mặt, thực sự là hạt nhân đoàn kết, tổ chức lãnh đạo đơn vị chấp hành nghiêm đường lối của Đảng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong thời kỳ mới, trước hết cần giáo dục cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định con đường cách mạng - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên trì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc rằng, quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tin cậy của Đảng. Tiếp tục tăng cường và coi trọng công tác bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, tình cảm đối với quê hương, đất nước, con người Việt Nam cho mỗi quân nhân trong quân đội, đặc biệt là giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước một cách bài bản, có hệ thống, chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) của Đảng chỉ rõ, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên còn có tình trạng: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vì vậy, cần thường xuyên chấn chỉnh và đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào phải làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Việc giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân đội, truyền thống của các địa phương, mối quan hệ đoàn kết quân - dân trong đấu  tranh giải phóng dân tộc, trong lao động sản xuất, khắc phục thiên tai… cần được tiến hành thường xuyên. Giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có ý chí quyết tâm cao, nhạy bén về chính trị, có năng lực hoạt động thực tiễn và phương pháp, tác phong công tác tốt, lối sống trung thực, giản dị, không bị cám dỗ bởi lối sống cá nhân chủ nghĩa, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất.

Ba là, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ.

Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác: tư tưởng, tổ chức, cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, dân vận, chính sách, quần chúng; đề cao dân chủ, kỷ cương, kỷ luật; giữ vững đoàn kết nội bộ. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị. Trên cơ sở đó, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ quân sự địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Toàn quân cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ, trọng tâm là nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, công tác quân sự quốc phòng địa phương… Chăm lo xây dựng cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh về mọi mặt, nhất là khả năng tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề chiến lược, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chủ động đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.

Cấp ủy các cấp phải thực hiện tốt công tác chăm lo bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng bảo vệ tổ chức, con người trong sạch, vững mạnh, an toàn tuyệt đối về chính trị, chống sự xâm nhập, móc nối, cài cắm, lộ lọt thông tin. Đồng thời, chủ động đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các cơ quan, đơn vị, góp phần bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Cần tập trung đấu tranh trực diện với các thủ đoạn nguy hiểm của địch, kiên quyết bác bỏ những luận điệu tuyên truyền, kích động, gây phân tâm về nhận thức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thành tựu của cách mạng, của Đảng và dân tộc ta.

Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị văn hóa nghệ thuật quân đội, kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với hệ thống truyền thông, văn hóa nghệ thuật của cả nước để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù. Chú trọng và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lý luận có đủ phẩm chất và năng lực, nhanh nhạy, sắc bén trong đấu tranh và tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, chống quan điểm “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị” là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội cách mạng. Đó là quá trình xây dựng và đấu tranh liên tục, xuyên suốt các bước trưởng thành, lớn mạnh của quân đội cách mạng, đòi hỏi phải thực hiện tổng hợp các biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách… trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam những năm qua đã khẳng định rõ nguyên tắc căn bản đó và hiện nay vẫn đang tiếp tục được coi trọng, làm nền tảng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét