Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

DÂN CHỦ-MỤC TIÊU, ĐỘNG LỰC CỦA SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

 


Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, dân chủ là một phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ; để khi ấy, con người sẽ từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”.

Với quan niệm dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ, Hồ Chí Minh không chỉ đặt nhân dân lên vị thế chủ thể xã hội, mà còn nói rõ mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa vị thế chủ thể xã hội của nhân dân với hành động làm chủ xã hội của nhân dân. Người khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, là lợi ích thiết thực của nhân dân, là động lực thúc đẩy nhân dân hành động vì đất nước, vì dân tộc. Với Hồ Chí Minh, dân chủ là động lực không chỉ cho những thành công của cách mạng giải phóng dân tộc, mà cả cho những thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm toàn bộ các quyền của con người, quyền của công dân như quyền tự do cá nhân, tự do báo chí, hội họp, đi lại, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bất khả xâm phạm thân thể và quyền nhà ở, nghỉ ngơi, học hành… Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là khẳng định quyền lực của nhân dân, là giải quyết mối quan hệ giữa quyền và lợi ích, quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm.

Hành trình 35 năm đổi mới đất nước vừa qua cũng là thời gian Việt Nam đẩy mạnh việc thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và chính trong hoàn cảnh đó dễ nhận thấy tính ưu việt của thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời của chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng hành, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa những thiệt hại, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội của nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh để hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có bước phát triển quan trọng là cơ sở cho sự bảo đảm dân chủ trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể và xã hội trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử được mở rộng và phát huy hiệu quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ, phát huy tốt hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội. Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được đẩy mạnh và thực thi hiệu quả hơn…  ngày càng hoàn thiện và đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.

Tất cả những phương thức và giải pháp thực hành dân chủ ở Việt Nam đã đưa tới kết quả tốt đẹp, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là biểu tượng về dân chủ và vấn đề cốt tử để xây dựng bảo vệ Tổ quốc chính là phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì thế, trong Văn kiện Đại hội XIII, từ thực tiễn 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 5 bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết, trong đó có bài học thứ hai là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sau sắc quan điểm dân là gốc; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”../.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét