Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CÁCH MẠNG CỦA LÃNH TỤ V.I.LENIN


V.I Lenin đã lựa chọn và định hình con đường cách mạng, con đường đi theo chủ nghĩa Marx từ năm 1887, khi Người mới 17 tuổi.

Con đường lãnh tụ của giai cấp vô sản Vladimir Ilyich Lenin đến với Cách mạng tháng Mười Nga cách đây 105 năm không hề bằng phẳng và đơn giản. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là V.I Lenin đã lựa chọn và định hình con đường cách mạng, con đường đi theo chủ nghĩa Marx từ năm 1887 khi Người mới 17 tuổi. Những thực tế này có thể nghe và tìm hiểu chi tiết tại Bảo tàng V.I Lenin ở trung tâm thành phố Kazan, CH Tatarstan thuộc LB Nga.

Năm 1887 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời chàng thanh niên Vladimir Ilyich Lenin trẻ tuổi. Vào mùa Xuân định mệnh năm ấy, anh trai Người, Alexander Ulyanov, sinh viên trường Đại học Tổng hợp St. Petersburg, đã bị bắt và bị xử tử vì kế hoạch ám sát Sa hoàng Alexander III. Đó cũng là năm chàng trai Volodia (tức Vladimir Ilyich Lenin) tốt nghiệp phổ thông trung học ở thành phố Simbirsk với tấm huy chương Vàng và được tuyển thẳng vào đại học. Với việc Alexander bị kết án và bị xử tử, gia đình Ulyanov đã phải đổi 3 nơi ở trước khi chuyển đến ngôi nhà gỗ ở Kazan mùa Hè năm 1887. Ngay từ nhỏ, Volodia đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ người anh trai và trong giai đoạn này, trong lòng chàng thanh niên trẻ Vladimir Ilyich Lenin thông minh, có nguyên tắc sâu sắc đã nhen nhóm tư tưởng cách mạng.

Bảo tàng V.I Lenin ở Kazan giới thiệu chi tiết về gia đình Ulyanov, cách mẹ ông - bà Maria Alexandrovna - dạy các con mình biết nhiều thứ tiếng một cách khoa học. Bà không chỉ nghĩ ra cách làm các bức tranh nhỏ mặt sau ghi tiếng nước ngoài để dạy các con có thể học nhiều ngoại ngữ cùng lúc, mà còn quy định những ngày nhất định cả gia đình phải nói chỉ một thứ tiếng, thành viên nào không tuân thủ sẽ bị phạt. Chính nhờ vậy V.I Lenin có thể biết nhiều ngoại ngữ và không chỉ có thế, Người còn có khả năng đọc rất nhanh, một ngày có thể đọc 500 trang sách.

Tháng 8/1887, V.I Lenin được nhận vào học năm thứ nhất Khoa Luật Đại học Tổng hợp Kazan. Trong thời gian này, Người tham gia vào một nhóm Marxist. Ở môi trường sinh viên, Người nổi bật về thiên hướng cách mạng, nhận thức về các vấn đề chính trị, sự uyên bác, kiên trì bảo vệ các quan điểm của mình. Nhờ những phẩm chất này, Người nhanh chóng chiếm được niềm tin trong lòng các “đồng đội” bạn cùng học.

Tại Bảo tàng V.I Lenin ở Kazan, chúng ta có thể thăm căn phòng nơi Người thường sinh hoạt vào thời điểm đó, bên cạnh nhà bếp. Ngoài những vật dụng đơn sơ, trong đó có bộ cờ vua mà lãnh tụ cách mạng là một người chơi xuất sắc, trên bàn đáng lưu ý là cuốn “Tư bản” của Karl Marx bản dịch đầu tiên ra tiếng Nga. Cô Maria Artari-Columbo, nhân viên Bảo tàng V.I Lenin, cho biết: “Tại căn nhà này, trong căn phòng Lenin đã sống, lần đầu tiên Người đã đọc quyển ‘Tư bản’ của Karl Marx. Và cũng tại đây, Lenin đã quyết định trở thành một nhà cách mạng”.

Tuy nhiên, cuộc sống sinh viên của Lenin kết thúc chỉ sau 3 tháng do biến cố lớn ập đến vào ngày 4/12/1887. Đó là cuộc phản kháng tại hội trường Đại học Tổng hợp Kazan để hưởng ứng làm sóng đấu tranh của sinh viên trên toàn nước Nga với sự tham gia của khoảng 350 sinh viên. Trong số này, 99 sinh viên đã trả lại thẻ sinh viên của mình. Bản thân Vladimir Ilyich đã viết đơn xin thôi học. Có thể nói việc tham gia cuộc phản kháng là bước đầu tiên trên con đường làm cách mạng, con đường sau này đã dẫn tới cuộc Cách mạng Tháng Mười "rung chuyển thế giới" của nước Nga. Ngày 7/12, các sinh viên và chàng thanh niên Volodia bị bắt và đầy đến làng Kokushkino. Tại Bảo tàng V.I Lenin ở Kazan, ngay trong gian đầu tiên đã tái hiện lại những dòng hồi ký của vị lãnh tụ thời gian này. Người viết: “Tháng 12 năm 1887, tôi bị bắt lần đầu tiên và bị đuổi khỏi Đại học Kazan vì hành vi phán kháng của sinh viên. Sau đó tôi bị đuổi khỏi Kazan”.

Ở Kokushkino, Người bắt đầu nghiên cứu một cách có hệ thống văn học xã hội và chính trị, đặc biệt là các tác phẩm của các nhà dân chủ cách mạng Nga, trước tiên là Chernyshevsky. Sau này, V.I Lenin ghi lại: “Chernyshevsky là tác giả yêu thích của tôi. Tôi đã đọc mọi thứ in trong cuốn ‘Sovremennik’ đến dòng cuối cùng và đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhờ Chernyshevsky, lần đầu tiên tôi đã làm quen với chủ nghĩa duy vật triết học. Ông cũng là người đầu tiên chỉ ra cho tôi vai trò của Hegel đối với sự phát triển của tư tưởng triết học, và Hegel đã đưa ra khái niệm phương pháp biện chứng, sau đó việc nghiên cứu phép biện chứng của Marx đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.”

Trong thời gian ngắn ngủi từ tháng 12/1887 đến tháng 9/1888 ở Kokushkino, Lenin cũng đã tự học để hoàn thành chương trình luật 4 năm và sau đó năm 1891, ông đã trả thi xuất sắc để tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Tổng hợp St. Petersburg.

Vào mùa Thu năm 1888, Lenin được phép trở lại Kazan song không có quyền vào học trường đại học. Người gia nhập nhóm cách mạng của Nikolay E. Fedoseev và trở thành một nhà Marxist.

Tới thăm Bảo tàng V.I Lenin ở Kazan, tận mắt chứng kiến những hình ảnh tái hiện lại con đường đến với cách mạng của Người, cô Elvira, khách tham quan đến từ thành phố Cheboksary, thành phố cảng bên sông Volga, chia sẻ: “Lenin là lãnh tụ đã được cả thế giới và nước Nga phải nhắc tới, chỉ có thiên tài mới có thể làm nên một cuộc cách mạng như vậy. Ông thực sự là một thiên tài và dù dư luận hiện nay có như thế nào thì ông cũng đã đi vào lịch sử thế giới”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét