Việc Cơ quan Cảnh sát
điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Thanh Long (cựu
Bộ trưởng Bộ Y tế); Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu
Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ) ngay sau khi các ông này bị xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền, được dư
luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy, suy thoái
là một loại “virus” vô cùng nguy hiểm, không trừ một ai. Để phòng, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cách tốt nhất là ngăn chặn suy thoái từ
sớm, từ xa...
Sai phạm của những cá
nhân nêu trên đã được Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII chỉ rõ: ...Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi
phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những
điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất
nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến
công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu
đến uy tín của tổ chức đảng...
Kết luận này dựa trên kết
quả kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban
Kiểm tra Trung ương, thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng. Căn cứ nội dung,
tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo quy định của Đảng về kỷ
luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ
luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ
nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Ban Bí thư
quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông
Phạm Công Tạc. Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai
trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Trong kết
luận sai phạm của những cá nhân nêu trên, cụm từ “suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống” được nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu. Điều này khẳng định,
suy thoái là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc rễ dẫn đến những sai phạm,
vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước của những cán bộ, đảng viên giữ
trọng trách trong tổ chức đảng và hệ thống chính trị của đất nước.
Sự nguy hại của suy thoái
đã được Đảng ta cảnh báo, nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII:
“Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn,
nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu,
thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm
tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy
cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Suy thoái tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để lại hậu quả, nguy
cơ vô cùng tai hại đối với Đảng và dân tộc. Cán bộ giữ chức vụ càng cao bị suy
thoái thì hậu quả, nguy cơ đối với Đảng, với chế độ càng lớn. Nhìn lại những vụ
việc, vụ án tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua,
trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị đưa ra xét xử, chúng
ta thấy, tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Đây là lần đầu tiên
kể từ Đại hội XII, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem
xét, kết luận hành vi sai phạm của những cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung
ương quản lý là “suy thoái về tư tưởng chính trị”. Đây cũng là lần đầu tiên
trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Đại hội XII, việc xử lý sai phạm
của cán bộ, đảng viên cấp cao và hành vi vi phạm pháp luật của công dân được
Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cơ quan hành pháp các cấp thực hiện kịp thời, nhanh
chóng, chỉ trong một thời gian rất ngắn. Việc xử lý nghiêm khắc, kịp thời,
thống nhất, đồng bộ... đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà
nước thể hiện tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm trong xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Qua những vụ việc này cho
thấy, suy thoái như là một loại “virus” lây bệnh nguy hiểm, không trừ một ai.
Nó có thể tấn công, làm biến dạng, biến chất ngay cả những người được đào tạo
bài bản, có học hàm, học vị cao; ngay cả những cán bộ giữ cương vị chủ chốt,
trọng trách trong Đảng. Trước việc nhiều cán bộ chủ chốt của một số bộ, ngành,
địa phương bị xử lý kỷ luật, bắt tạm giam, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên
đã bộc lộ tâm lý cực đoan, sợ sai, sợ trách nhiệm, nảy sinh tư tưởng “mũ ni che
tai”, “dĩ hòa vi quý”... Một số người bày tỏ thái độ bi quan, cho rằng, cán bộ
bây giờ làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, muốn không sai thì tốt nhất là
không làm... Dù chỉ là cá biệt, song những biểu hiện tư tưởng cực đoan ấy cần phải
được chấn chỉnh, loại bỏ ngay. Bởi suy diễn tiêu cực, sai đường lối, chủ trương
của Đảng cũng chính là một biểu hiện của suy thoái. Cần thấy rằng, việc xử lý
những cán bộ vi phạm là nỗ lực làm trong sạch nội bộ Đảng, làm cho Đảng mạnh
hơn, ngày càng xứng đáng với niềm tin và mong đợi của nhân dân. Đấu tranh chống
tiêu cực trong Đảng là một cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, đòi hỏi phải kiên
trì, kiên quyết. Sự thành công phụ thuộc vào ý chí, thống nhất hành động trong
toàn Đảng, toàn dân. Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không phải
từ trên trời rơi xuống, mà nó nằm ngay trong tư duy, tư tưởng, hành động của
cán bộ, đảng viên. Vấn đề này đã được Đảng ta nhấn mạnh trong hệ thống văn
kiện, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận...
Trong Văn kiện Đại hội
XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống của một số
cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình trạng nói không đi
đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu tham nhũng, lãng
phí, cá nhân chủ nghĩa... việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức
lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hình thức; tình
trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”...Như vậy, những
biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả của suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên đã được Đảng ta nhận diện, cảnh báo và đề ra các giải pháp đấu
tranh.
Việc vi phạm là do cá nhân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn
luyện, bị chi phối, sa ngã bởi chủ nghĩa cá nhân; do cấp ủy, tổ chức đảng thiếu
tính chiến đấu, phê bình, tự phê bình còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va
chạm... Đổ lỗi do cơ chế, chính sách rồi suy diễn tiêu cực, dẫn đến làm việc
cầm chừng, né tránh là hành vi ngụy biện, tạo môi trường cho chủ nghĩa cá nhân
phát triển. Với tinh thần “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật một người để cứu
muôn người”, việc xử lý những cán bộ suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức,
lối sống... chính là nhằm răn đe, cảnh tỉnh đối với mọi cán bộ, đảng viên, tổ
chức đảng. Thay vì nảy sinh tư tưởng cực đoan, cán bộ, đảng viên và từng tổ
chức đảng phải xốc lại tư tưởng, thống nhất nhận thức, quán triệt sâu sắc quan
điểm, chủ trương của Đảng để mài sắc ý chí chiến đấu, loại bỏ chủ nghĩa cá
nhân.
Báo cáo chính trị Đại hội
XII, trong phần phương hướng nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, Đảng ta
xác định: “Chủ động phòng ngừa phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi
nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Trong Văn kiện Đại hội
XIII, Đảng ta bổ sung, nhấn mạnh: “Phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố
bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm
thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động
và cơ hội chính trị”.Như vậy, những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống... trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán
bộ giữ trọng trách trong Đảng và hệ thống chính trị của đất nước, chính là một
trong những yếu tố bất lợi, yếu tố gây nguy cơ đột biến ngay từ bên trong. Đây
cũng chính là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị lợi
dụng để xuyên tạc, kích động, chống phá, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong
các bài viết, bài phát biểu liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập, nhấn mạnh việc chấn hưng đạo
đức, văn hóa trong Đảng. Tổng Bí thư cho rằng, bên cạnh “pháp trị” phải coi
trọng “đức trị”; bên cạnh “pháp lý” phải đề cao “đạo lý”... “Đức trị”, “đạo lý”
là cái gốc, là nền tảng để thực hiện hiệu quả “pháp lý”, “pháp trị”... Trong
công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay,
công tác kiểm tra phải chủ động đi trước một bước. Phải kiểm tra thường xuyên
kết hợp với kiểm tra khi đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm. Để “vũ
trang” cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị
quyết, chỉ thị, quy định, kết luận... trên cơ sở Điều lệ Đảng, gắn với đẩy mạnh
thực hiện các cuộc vận động. Đó là cơ sở, nền tảng để chấn hưng đạo đức, văn
hóa trong Đảng. Muốn phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị từ sớm,
từ xa, cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng phải lấy yếu tố văn hóa Đảng làm
trọng, đặt đạo đức của Đảng lên hàng đầu. Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Đảng ta là
đạo đức, là văn minh” là vì thế. Khi cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, cán bộ
chủ trì các cấp có đầy đủ văn hóa, đạo đức của Đảng, sẽ có nguồn lực nội sinh
đẩy lùi, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn suy thoái từ sớm, từ xa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét