Những
ngày qua các thế lực thù địch tăng cường phát tán các bài viết xuyên tạc, chế
độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cho rằng chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam không còn phù hợp nữa, kích động lôi cuốn học sinh sinh viên, công chức
không tham gia học tập chủ nghĩa Mác và xa rời Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam.
Đây là quan điểm hoàn toàn sai trái, xuyên
tạc, kích động của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng ta hoặc thể hiện sự
non kém trong nhận thức chính trị không nhận thức được chủ nghĩa Mác không chỉ
là một sản phẩm cá nhân thuần túy mà là sự kế thừa phát triển thiên tài những
trào lưu tư tưởng tiên tiến nhất của nhân loại thế kỷ XIX. C.Mác, Ph.Ăngghen đã
nghiên cứu và kế thừa kinh tế chính trị học Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng
Pháp và triết học cổ điển Đức, đặc biệt là triết học của Hêghen và L.Phơiơbắc.
Như Ph.Ăngghen đã nhận định: C.Mác vĩ đại bởi vì ông “biết đứng trên vai của
những người khổng lồ", đó là D.Ricacđo, A.Smit, O.Xanhximông, G.Fourier,
Ph.Ăngghen và L.Phơiơbắc.
Học
thuyết Mác cũng như tất cả các học thuyết khác, chẳng những không thể vượt qua
những hạn chế của lịch sử, mà còn có thể có những khiếm khuyết nào đó, song
tính bền vững của những tư tưởng Mác-xít so với các tư tưởng khác là ở chỗ nó
dựa trên thế giới quan khoa học tức là phép biện chứng duy vật. Đúng như C.Mác
đã nói, đối với triết học biện chứng thì không có gì vĩnh viễn không thay đổi,
là tuyệt đối cả. Chính Mác, Ăngghen và V.I.Lênin đã nêu một tấm gương lớn về
tinh thần khiêm tốn, khoa học. Các ông luôn tự kiểm tra mình, tự phê phán và
vượt lên chính mình để vươn tới chân lý khách quan. Sự vận động của lịch sử
nhân loại ngày nay đang tiếp tục cung cấp những tư liệu mới cho các quan điểm
của Mác về phương thức sản xuất ra của cải vật chất, quyết định sự tồn tại của
xã hội. Sự thay đổi của phương thức sản xuất vật chất tất yếu sẽ dẫn đến những
biến đổi về cơ cấu giai cấp, cấu trúc kinh tế, nội dung chính trị, đạo đức, lối
sống và tư duy của con người. Quan điểm duy vật lịch sử của Mác chẳng những đã
lý giải một cách chính xác sự vận động của lịch sử, mà còn là chìa khóa của tương lai học.
Các
quan hệ xã hội, dân tộc ngày nay đã thay đổi sâu sắc so với thời đại Mác sống.
Đó là điều hiển nhiên. Sự thay đổi đó không phải chỉ do tác động của cuộc cách
mạng khoa học kỹ thuật, do sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại, mà còn
do ảnh hưởng to lớn của chủ nghĩa xã hội, hiện thực của sự phát triển ý thức
dân tộc. Tuy nhiên, điều đó không làm cho những tư tưởng của Mác về giai cấp và
đấu tranh giai cấp, về dân chủ và nhà nước… trở nên lạc hậu. Cuộc khủng hoảng
của chủ nghĩa xã hội và sự sụp đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa ở một số nước, một
mặt nói lên rằng, một khi xa rời những tư tưởng của Mác tất yếu phải trả giá
đắt; mặt khác cũng chứng minh rằng, đấu tranh giai cấp, thiết lập chế độ xã hội
do nhân dân làm chủ là con đường hiện thực và tất yếu, nhưng đầy gian khổ để đi
đến giải phóng hoàn toàn xã hội. Không thể có con đường nào khác.
Đối
với học thuyết kinh tế của Mác, trong khi một số người ra sức bài bác, thậm chí
xuyên tạc rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại thay đổi về chất, nhà nước trong chủ
nghĩa tư bản là nhà nước phúc lợi chung, do đó học thuyết của Mác đã trở nên
lỗi thời, thì nhiều nhà kinh tế lớn lại dựa vào Mác để phát triển các luận điểm
của mình. Thậm chí có nhà kinh tế của chủ nghĩa tư bản nói rằng: Mác là một
trong những người khổng lồ đã làm một cuộc cách mạng trong kinh tế học
(R.A.Samuenson):"Nếu không có sự phân tích của Mác thì mâu thuẫn trung tâm
của chủ nghĩa tư bản (giữa lao động và tư bản), tình trạng bất bình đẳng giữa
nước giàu và nước nghèo vẫn sẽ là một thực tế khó hiểu (M.Galô).
Chúng
ta không phủ nhận rằng, ngày nay dựa trên việc sử dụng các thành tựu cách mạng
khoa học và công nghệ, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có sự thay đổi. Song nếu
phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư, thì sẽ phạm phải sai lầm nghiêm trọng cả
về khoa học và chính trị. Cho dù ngày nay, người ta có thể đưa lao động quản lý
của nhà tư bản vào cơ cấu của giá trị thặng dư, thì chắc chắn rằng phần đóng
góp đó cũng không thể bao gồm toàn bộ giá trị thặng dư. Nếu xóa bỏ khái niệm
đó, thì chúng ta, thậm chí không thể giải thích được tái sản xuất mở rộng tư
bản chủ nghĩa. Và không thể quên rằng giá trị thặng dư còn phản ánh một phương
diện khác của sản xuất, nói chung - đó là, không một nền kinh tế nào muốn phát
triển lại không dựa trên sản phẩm thặng dư.
Về
mặt chính trị, việc phủ nhận giá trị thặng dư, có nghĩa là không còn lý do nào
để xóa bỏ cái cơ cấu xã hội đang đè nặng lên hơn 90% nhân loại. Thái độ đúng
đắn là tiếp tục sự nghiệp của Mác, bằng hoạt động khoa học và thực tiễn, tìm
kiếm các giải pháp, bước đi thích hợp, từ hạn chế đi đến xóa bỏ sự bóc lột,
đồng thời vẫn duy trì các động lực của sự phát triển.
Theo
Mác, chủ nghĩa cộng sản ra đời không ngoài quá trình lịch sử tự nhiên. Đó là sự
phủ định biện chứng, chứ không phải là phủ định siêu hình chủ nghĩa tư bản. Học
thuyết Mác đề cao vai trò tích cực của con người - trước hết là sự nhận thức
các quy luật khách quan. Tiếp thu tư tưởng của Mác, Lênin đã chỉ rõ biện chứng
cách mạng là bản chất học thuyết Mác. Theo Người, giai cấp công nhân và nhân
dân lao động, các dân tộc bị áp bức có thể tiến hành các cuộc cách mạng để
giành lấy những tiền đề cho một sự phát triển ngắn hơn, ít đau khổ hơn con
đường tư bản chủ nghĩa.
Nội
dung, tính chất một số vấn đề đang đặt ra đối với sự nghiệp cách mạng ngày nay
đã khác với thời đại Mác sống. Cuộc đấu tranh nhằm giải phóng giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức chuyển sang một giai đoạn mới
với những hình thái mới. Hơn bao giờ hết, nhưng chỉ dẫn của Mác và Lênin về sự
đa dạng của loại hình đấu tranh, về khả năng lựa chọn các con đường phát triển
và về nhịp độ cải biến xã hội trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại
trở nên hết sức quý báu đối với chúng ta.
Là
một học thuyết cách mạng, sức sống của chủ nghĩa Mác còn ở các trào lưu cách
mạng hiện thực. Cho dù chủ nghĩa xã hội hiện thực là một mô hình có những
khuyết tật và sai lệch so với tư tưởng của Mác, nhưng nó đã có những cống hiến
lớn đối với sự phát triển của nhân loại. Mặc dù một loạt nước xã hội chủ nghĩa
bị sụp đổ, song vẫn còn hàng triệu triệu người vững tin ở tương lai của chủ
nghĩa xã hội. Ngay ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sau "cuộc cách
mạng nhung", phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh, thắng cử của nhiều Đảng xã
hội dân chủ ở châu Âu, một cuộc đấu tranh mới cho lý tưởng cộng sản lại bắt
đầu.
Cuộc
đấu tranh chống tư bản độc quyền giành quyền dân sinh, dân chủ ở các nước tư
bản phát triển cũng như cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc ở các
nước nghèo là những trào lưu hình thành do ảnh hưởng của học thuyết Mác - Lênin
được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, các trào lưu đó
vẫn tồn tại và phát triển. Đó là khuynh hướng lịch sử không thể đảo ngược.
Sức
sống của học thuyết Mác đang thể hiện một cách sinh động trong cuộc đấu tranh
không khoan nhượng của những người cộng sản chống lại những biểu hiện mới của
chủ nghĩa cơ hội, xét lại, cũng như những biểu hiện mới của chủ nghĩa giáo
điều, để bảo vệ và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin.
Ở
nước ta, công cuộc đổi mới, xét về phương diện lý luận là sự kế thừa và phát
triển sáng tạo bản chất tư tưởng cách mạng và khoa học của Mác, Lênin và Hồ Chí
Minh. Tư tưởng xuyên suốt đường lối đổi mới là giải phóng và phát triển - giải
phóng và phát triển mọi tiềm năng của đất nước, từng bước hiện thực hóa mục
tiêu cao đẹp là phấn đấu để mọi người Việt Nam ai cũng có cơm ăn, ăn no tiến
đến ăn ngon; ai cũng có áo mặc, mặc đủ tiến đến mặc đẹp; ai cũng có nhà ở, tiến
đến ở khang trang; ai cũng được học hành để không ngừng nâng cao dân trí; ai có
bệnh đều được chăm sóc, mọi người sống trong tự do, nhân ái, chan hòa.
Sau
sự nghiệp giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn
mới. Nội dung, tính chất của cuộc đấu tranh cách mạng đã thay đổi về cơ bản.
Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị
trường có sự quản lý của Nhà nước, tạo nên một cơ chế có động lực mạnh mẽ: kết
hợp hài hòa các lợi ích vật chất và nhân đạo hơn quan hệ xã hội; xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo một xã hội có kỷ cương và thực hiện
trên thực tế quyền làm chủ của nhân dân; dân chủ hóa toàn diện xã hội, phát huy
mạnh mẽ sức mạnh của cả cộng đồng và sức mạnh của từng con người Việt Nam được
giải phóng; thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc; đoàn kết
quốc tế, thêm bạn bớt thù; từng bước hoàn thiện mô hình mới của Việt Nam quá độ
lên chủ nghĩa xã hội. Làm cho vai trò, vị thế của nước ta ngày một tăng như
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ,
tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Chính
vì vậy, kiện định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là là con đường
chắc chắn nhất, đúng đắn nhất để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước
mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, học sinh sinh viên
và của mọi người dân Việt Nam và của những người yêu chuộng hòa bình, yêu
chuộng lẽ phải, khoa học và tiến bộ trên thế giới nhằm tranh bị cho chúng ta
thế giới quan, phương pháp luận khoa học giải quyết đúng đắn và hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét