Theo số liệu báo cáo của
WHO, đại dịch COVID-19 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 110 triệu người và cướp đi
sinh mạng của gần 2,5 triệu người. Kể từ đầu tháng 12/2020, một loạt quốc gia
trên thế giới đã bắt đầu công bố triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đẩy
lùi đại dịch. Đến nay, gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm
vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và khoảng 200 triệu liều vaccine đã được
tiêm trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, giống với
những loại dược phẩm khác, chúng để lại tác dụng phụ nghiêm trọng trong trường
hợp hiếm hoi. Hiện tại, tất cả vaccine được mua bán, phân phối thông qua Covax
đều đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới thành lập quỹ bồi thường
cho người chịu tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm vaccine Covid-19. VIỆT NAM
NẰM TRONG 92 NƯỚC ĐƯỢC THỤ HƯỞNG. Quỹ này được lập thông qua sáng kiến tiêm
chủng công bằng Covax, kéo dài đến ngày 30/6/2022. Covax cam kết thiết lập cơ
chế "bồi thường không dựa trên yếu tố lỗi" tùy theo mức độ nghiêm
trọng của triệu chứng, GDP bình quân mỗi quốc gia, thuế vaccine, sức đóng góp
của nhà sản xuất và các nước.
Chương trình tiêm chủng
Covid-19 năm 2021 là đợt triển khai vaccine toàn cầu nhanh và lớn nhất lịch sử.
Covax đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine an
toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng cho tất cả các nước thành viên.
Tại Việt Nam, sáng nay
ngày 24/02/2021, 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca về đến sân bay
Tân Sơn Nhất, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách hiện nay. Hôm qua ngày
23/2, Bộ Y tế sắp xếp 11 nhóm người được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên theo
mức độ ưu tiên tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế.
Việt Nam đang tuân theo
các thông báo Tổ chức Y tế thế giới hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền
trong việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm vaccine. Trong kế
hoạch tổng thể mà Bộ Y tế sẽ ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của
vaccine, các cơ quan chức năng lên kế hoạch tuyên truyền về những tác dụng,
phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết và đồng hành với ngành
y tế.
Với dự kiến sẽ tiêm chủng
cho hàng triệu người trong một thời gian ngắn, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng việc
ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng hoàn toàn trong khả
năng của ngành y tế, vì Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình
triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng hàng chục năm qua./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét