Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

CẢNH GIÁC NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI THÔNG TIN GIẢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 


Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc tiếp cận thông tin và trong đó mạng xã hội đã trở nên phổ biến với mọi người dân. Thông qua một thiết bị thông thông minh có kết nối internet đều có thể tham gia vào mạng xã hội, trên những nền tảng khác nhau (như: facebook, youtube, zalo, twitter…). Bên cạnh những tác dụng to lớn, người dùng mạng xã hội đã và đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có vấn nạn tin giả. Tin giả trong “xã hội ảo” nhưng gây hại sâu sắc, nguy hiểm đến “thế giới thực”. Nhận diện, đấu tranh với thông tin giả trên mạng xã hội trở thành vấn đề nóng bỏng hiện nay.

Tin giả - theo cách hiểu thông thường là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung và được phát tán rộng rãi, với tốc độ vô cùng nhanh trên Internet và các phương tiện truyền thông. Có thể đó là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; có thể là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó. Dù ở thể loại, cấp độ nào thì đây hoàn toàn là những thông tin không đáng tin cậy, nhưng xuất hiện với “cường độ” lớn, “mật độ” dày đặc trên nhiều nền tảng mạng xã hội, dễ gây nên những nhận thức sai lầm trong dư luận xã hội. Thậm chí, tạo nên những nhận thức và hành động sai lầm, lệch lạc của một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết, cả tin.

Đặc biệt, khi đất nước có những sự kiện chính trị quan trọng trong nước và khu vực thì các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động càng tăng cường tung thông tin giả, tin đồn thất thiệt. Mục đích nhằm làm cho người đọc, người xem thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm dễ lầm tưởng, không nhận diện được đúng - sai, dễ dao động về tư tưởng, mất niềm tin, hoài nghi vào sự kiện đó.

Từ đó đặt ra đối với cá nhân khi vào kết nối internet tham gia mạng xã hội phải nâng cao cảnh giác nhận diện, đấu tranh, loại bỏ thông tin giả trên mạng xã hội

Cần nhận thức rõ trách nhiệm công dân khi tham gia các hoạt động trên môi trường không gian mạng. Khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh việc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của cá nhân, mỗi công dân cần ý thức rõ việc thiết lập “vùng an toàn” trong khuôn khổ pháp luật, tiếp nhận thông tin một các có chọn lọc, có sự so sánh, đối chiếu giữa thông tin trên mạng xã hội với các thông tin trên phương tiện thông tin truyền thông chính thống (như: đài truyền hình quốc gia, các trang báo của cơ quan ngôn luận Trung ương…) để phân biệt, đánh giá mức độ đúng - sai của các thông tin. Với tư cách người tạo nên thông tin, khi viết, truyền tải bất kỳ một thông tin nào trên các nền tảng mạng xã hội cần nghiêm túc cân nhắc, ý thức rõ phạm vi ảnh hưởng của những thông tin đưa lên mạng.

Khi tham gia mạng xã hội, người dùng hoàn toàn có thể nhận diện, “chỉ mặt, đặt tên” những thông tin sai sự thật. Bởi với sự hỗ trợ “đắc lực” của các công cụ tìm kiếm người đọc sẽ nhanh chóng tìm thấy sự so sánh, đối chiếu đơn giản, dễ dàng tìm ra “chân lý” của sự việc.

Tóm lại, thông tin giả đã và đang tồn tại khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, mỗi cá nhân hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng khi bình luận, phát tán thông tin và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chia sẻ thông tin của mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét