Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG


Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh hiện tượng bị lợi dụng, gây phương hại đến quyền, lợi ích của cá nhân khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ thể hiện quyền tự do ngôn luận của đông đảo người dân, điều này đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và pháp lý, trong đó có việc quản lý thông tin trên không gian mạng hiện nay.

Đấu tranh phòng, chống lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay.

Tự do nói chung, tự do ngôn luận nói riêng đều cần được hiểu là tự do trong khuôn khổ pháp luật. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước nhân quyền châu Âu năm 1953, Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng nhấn mạnh tự do ngôn luận là tự do trong những giới hạn của đạo đức và pháp luật, chủ yếu là nhằm bảo vệ nhân phẩm, danh dự (đời tư) của người khác, bảo vệ bí mật kinh doanh, chống kỳ thị, phân biệt đối xử, chống kích động bạo lực, chiến tranh, chống chỉ trích, phê phán chính quyền, đặc biệt nếu đó là những kêu gọi bạo loạn, đe dọa đến trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Bởi vậy, mỗi quốc gia có thể cân nhắc tình hình thực tế của mình để cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.

Rõ ràng, trong bất cứ chế độ chính trị nào cũng không thể có tự do ngôn luận tuyệt đối, các quốc gia đều xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận; đề cao tự do ngôn luận phải vì lợi ích chung, không phải là sự tuyệt đối hóa tự do cá nhân, không thể lợi dụng tự do ngôn luận để viết, nói, xuyên tạc với ý đồ xấu, bất chấp luân lý và luật pháp.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Bên cạnh đó, chúng ta còn có Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích cũng như những hiểm họa từ mặt trái của internet và mạng xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển internet và mạng xã hội; đồng thời bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá chính quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong đó phải kể đến Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư khóa XI, về “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ, về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-1-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) được thành lập theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg, ngày 15-8-2017, của Thủ tướng Chính phủ, đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018, đều quy định rõ những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... đều bị pháp luật xử lý.

Các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, bôi nhọ, nói xấu chính quyền, gây kích động, hoang mang trong nhân dân, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Chẳng hạn, liên quan đến việc thông qua Luật An ninh mạng, nhiều trang điện tử và các phần tử phản động đã đưa tin bóp méo, xuyên tạc, cho rằng luật này “đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”, “vi phạm tự do ngôn luận, báo chí, internet”. Một số người không đủ thông tin, thiếu hiểu biết nên dễ dàng tin theo và có những phát ngôn chống đối, cản trở việc thi hành Luật. Vụ việc Đồng Tâm ngày 9-1-2020 gây chấn động và chia rẽ trong cộng đồng bởi quá nhiều luồng tin trái chiều trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch cũng nhân cơ hội này mà tuyên truyền nhằm chống phá chế độ…

Hiện tượng tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng cũng gây ra nhiều hệ lụy. Đơn cử, trong khi Nhà nước nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, có những kẻ lợi dụng tình hình dịch bệnh để tuyên truyền thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước gây hoang mang dư luận xã hội. Chúng ngụy tạo bức tranh sai lệch về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, phát tán tin giả, dựng chuyện về số người mắc bệnh, số ca tử vong và loan tin tốc độ lây lan dịch bệnh lớn hơn nhiều lần con số do Chính phủ công bố, tạo tâm lý sợ hãi cho cộng đồng, làm xáo trộn đời sống xã hội, gây nghi ngờ, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Qua các thông tin vô căn cứ, các thế lực thù địch cố tình lờ đi những kết quả quan trọng chúng ta đã đạt được, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước trong xử lý dịch bệnh, vu khống Nhà nước che giấu thông tin, không ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu… Không những vậy, rất nhiều đối tượng còn cố tình tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh nhằm trục lợi bất chính. Đó là những thông tin tiêu cực khiến người dân lo sợ, đổ xô đi mua khẩu trang, lương thực tích trữ, dẫn đến tình trạng “găm” hàng, “thổi” giá… Những hành vi như thế không thể dùng “tự do ngôn luận” để biện hộ.

Khi chúng ta ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, sai trái trên, các thế lực thù địch rêu rao rằng, đây là “một hình thức kiểm duyệt thông tin”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Sự thật là, việc ngăn chặn trên là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, các quốc gia trên thế giới đều phải thực hiện. Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google đề nghị ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội thì hàng nghìn video, trong đó có những video có nội dung kích động chống phá Đảng, Nhà nước đã được gỡ bỏ khỏi Youtube; hàng nghìn đường link có nội dung vi phạm pháp luật, hàng trăm tài khoản giả mạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước cũng đã được Facebook ngăn chặn…

ĐỂ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG, CẦN PHẢI TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP:

Thứ nhất, giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng mạng và tinh thần cảnh giác trước tin đồn. Nâng cao nhận thức và năng lực tự sàng lọc thông tin của người dân và cộng đồng, hình thành thói quen hành xử tích cực trên môi trường mạng. Đây là giải pháp có ý nghĩa then chốt và lâu dài để mỗi người dân trở thành bộ lọc thông tin hiệu quả cho chính mình và cộng đồng.

Thứ hai, thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội.

Thứ ba, cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật. Cụ thể là, đầu tư thỏa đáng cho các cơ quan có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia. Tuyển dụng, đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, có khả năng thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật. Đồng thời, khuyến khích phát triển mạng xã hội của Việt Nam; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài, như Facebook, Google, Twitter, Youtube để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ những nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét