Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ SỨC MẠNH THỂ CHẾ

 


Thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 là rất ấn tượng và được cả thế giới ghi nhận. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn là một nơi an toàn.

Điều đáng nói là đa số các ca Covid-19 đều nhiễm bệnh từ nước ngoài rồi nhập cảnh vào nước ta. Họ có thể là chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc hoặc đồng bào ta được đưa về nước.

Số ca lây nhiễm trong cộng đồng là không đáng kể. Mỗi khi xuất hiện ca Covid-19 trong cộng đồng, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch và cả hệ thống chính trị được kích hoạt để chống lại tức thì. Và ổ dịch bị dập tắt một cách nhanh chóng. Đây quả thực là thành tựu ít nước trên thế giới có thể đạt được. Thành tựu ấn tượng đó nhờ đâu mà có? Có nhiều nguyên nhân mà có lẽ ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân sâu xa hơn nữa nằm ở tầm thể chế. Đây là nguyên nhân cơ bản hơn và có tính quyết định hơn.

Việt Nam là một quốc gia có mô hình thể chế với nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất. Nguyên tắc này giúp cho chính quyền Trung ương có đủ sức mạnh và có đủ thẩm quyền để ban hành quyết định nhanh chóng cho toàn hệ thống. Đây là một ưu thế rất lớn trong cuộc chiến chống dịch (và có lẽ trong mọi cuộc chiến) khi chính quyền Trung ương được điều hành bởi những người có năng lực và quyết đoán. Mô hình phân quyền của một số nước cho thấy việc ban hành các quyết định cần thiết đã bị chậm trễ hơn nhiều. Mà chậm một ngày thôi dịch bệnh đã có thể lây lan ra cộng đồng và vượt tầm kiểm soát.

Chủ nghĩa tập thể ở Việt Nam đã tỏ ra ưu thế hơn trong phòng, chống dịch bệnh. Ai cũng biết đeo khẩu trang không phải là để tránh dịch cho mình, mà chủ yếu là để tránh dịch cho người khác, tránh dịch cho cộng đồng. Và người châu Á lập tức đeo khẩu trang ngay, không cần phải thuyết phục và áp đặt gì nhiều. Nhưng người Âu-Mỹ lại coi trọng tự do cá nhân hơn. Vì vậy, khi dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, nhiều người vẫn không chịu đeo khẩu trang. Họ cho rằng đeo hay không là quyền tự do của họ. Đến khi các chính quyền tìm cách áp đặt được việc phải đeo khẩu trang thì mọi việc đã quá muộn.

Và cần phải khẳng định rằng: Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã để lại cho chúng ta không chỉ nhiều kinh nghiệm quý, mà còn nhận thức sâu sắc hơn về ưu điểm và sức mạnh của mô hình thể chế mà chúng ta đang có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét