Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

LỊCH SỬ TIẾN CÔNG TÂY NGUYÊN


Trận Buôn Ma Thuột là trận đánh then chốt, mở đầu của chiến dịch tiến công Tây Nguyên năm 1975; cũng là trận đánh mở màn, đòn điểm huyệt chính dẫn đến sự chấm dứt chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) trong 55 ngày.
Khi viết cuốn sách “Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc” năm 1971 tại chiến trường Tây Nguyên, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã sớm nhận ra chỗ yếu và hiểm của Tây Nguyên.
Năm 1973, khi ra Bắc họp ông đã đề nghị với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về việc đánh Buôn Ma Thuột, chi tiết lịch sử này đã được ghi lại trong cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, trang 126): “Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành. Sau này ý kiến đó của ông được Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đồng tình chấp nhận".
Thực hiện kế nghi binh lừa địch, khi Sư đoàn 10 đã tiến về Đức Lập, phía Nam Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 320 đã tiến về Ea H’leo, Bắc Buôn Ma Thuột thì ta thực hiện đánh chia cắt chiến lược và chia cắt chiến dịch ở Tây Nguyên chuẩn bị cho việc “trói địch lại mà diệt”. Ta đánh cắt đứt đường 19, đường 14, rồi tiếp đến là đường 21 làm cho Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị cô lập.
Thế trận đã giăng. Sư đoàn 23 Việt Nam Cộng hòa bị trói chân ở Pleiku - Kon Tum, các đơn vị tổng dự bị chiến lược của VNCH bị ghìm ở hai đầu Nam Bắc (Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn). Đây là một mưu kế chiến lược sáng suốt, nhìn xa trông rộng của Bộ Tổng Tư lệnh. Thời cơ để Quân Giải phóng hạ quyết tâm tiến công Buôn Ma Thuột đã đến. Với sức mạnh từ ba sư đoàn của các binh chủng hợp thành táo bạo và bất ngờ tiến công thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột.
Ngày 10-3-1975, khi những chiếc xe tăng của bộ đội Giải phóng đã cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột lúc đó Thiếu tướng VNCH Phạm Văn Phú (Tư lệnh Quân đoàn II) mới biết tin. Ông Phú tái mặt, choáng váng thất kinh vì đã quá muộn, Quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn Buôn Ma Thuột. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh: “Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào”. Do đường 14 là đường bộ duy nhất nối liền Pleiku với Buôn Ma Thuột đã bị Sư đoàn 320 cắt đứt và chiếm giữ, nên Sư đoàn 23 VNCH muốn thực hiện phản kích chỉ còn cách đi bằng máy bay trực thăng, đổ quân vào nơi Quân Giải phóng dự kiến.
Thế trận QGP đã bày sẵn, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25  liên tiếp đánh bại bốn trận phản kích của Việt Nam Cộng hòa ở đường 21 phía Đông Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 23, con “át chủ bài” đã cơ bản bị xóa sổ, những cố gắng và hi vọng chiếm lại Buôn Ma Thuột của VNCH đã bị dập tắt.
Ngày 14-3-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định rút bỏ Tây Nguyên và ra lệnh: Tùy nghi di tản; cho quân rút về co cụm ở đồng bằng ven biển miền Trung để bảo toàn lực lượng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dự kiến tình huống này và đã chỉ thị cho các đơn vị đón đánh tiêu diệt đối phương. Cuộc rút chạy của quân VNCH đã gây ra hoảng loạn “đột biến”. Sư đoàn 320 vẫn kịp thời truy kích, kết hợp với các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân VNCH rút chạy và bắt cả viên chỉ huy cuộc hành quân rút chạy này (Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm) ngay tại thị xã Tuy Hòa.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra “thời cơ chiến lược lớn” thừa thắng chuyển sang tổng tiến công và nổi dậy Quân Giải phóng tấn công xuống đồng bằng ven biển miền Trung. Đại quân Giải phóng ào ào như thác đổ tiến về Sài Gòn tiêu diệt toàn bộ bộ thống soái của Việt Nam Cộng hòa, kết thúc cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vị tướng chỉ huy trận đánh Buôn Ma Thuột lịch sử là Nhà giáo nhân dân, Giáo sư - cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Từ nhãn quan một nhà nghiên cứu quân sự, ông đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên - nơi hiểm yếu là Buôn Ma Thuột và trực tiếp chỉ huy, đề ra nguyên lý: “Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời. Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thời thế”, đó là những tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Cao Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét