Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

KHÔNG THỂ 'HẠ CÁNH AN TOÀN



Sau hàng loạt những sai phạm của các cán bộ trong thời gian đương chức nhưng vẫn có nhiều người “hạ cánh an toàn” đã để lại băn khoăn cho nhiều tầng lớp nhân dân. Lắng nghe ý kiến nhân dân, mới đây, quy định xử lý cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm trong thời gian công tác đã chính thức được luật hóa trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Nhưng để triển khai trong thực tế, quy định trên rất cần được cụ thể hóa. Vì vậy, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với Dự thảo Nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, trong đó bổ sung nội dung xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác.
Việc bổ sung nội dung xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác trong Dự thảo Nghị định mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân nhằm cụ thể hóa trên cơ sở quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Nhưng đó cũng là đòi hỏi của thực tế khi mà, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy như: Luật Tổ chức Quốc hội hay Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định về “bãi nhiệm” mà không có quy định về hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với các trường hợp xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp xã. Như vậy điều này vô hình trung đã tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, chưa bảo đảm nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng không thay thế xử lý kỷ luật hành chính. Bởi vậy theo Bộ Nội vụ trong Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về đảng.
Lý giải cho việc bổ sung quy định trên Bộ Nội vụ cũng cho rằng: Quy định như Dự thảo là bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm thực hiện đúng quy định được giao. Thực tế cho thấy, hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện nay đều là đảng viên. Những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo. Vì vậy, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật đảng đối với đối tượng này là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng. Hơn nữa, quy định như Dự thảo sẽ tránh phức tạp về trình tự, thủ tục, thẩm quyền do đã có kết luận về sai phạm, hình thức xử lý kỷ luật cũng đã được xác định rõ và do đó không phải thực hiện các quy định về thành lập Hội đồng kỷ luật để xử lý rất khó khả thi.
Thực ra đây không phải là vấn đề “chưa có tiền lệ”, và cũng để phù hợp với quy định của Đảng. Bởi trong thời gian qua hàng loạt những cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong công an, quân đội đã bị Đảng xử lý kỷ luật do những vi phạm xảy ra trong quá trình công tác. Từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, hay Thứ trưởng. Thậm chí có những trường hợp phải xử lý hình sự. Việc xử lý kỷ luật cán bộ còn góp phần giúp cho pháp luật được nghiêm minh không có ngoại lệ, dù bất cứ là ai, nếu mắc vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh để làm gương như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc đến “xử một người để răn đe, cảnh tỉnh muôn người”. Và quan trọng nó nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ từ phía nhân dân.
Khi nói đến năng suất lao động của Viêt Nam thấp, rất nhiều những ý kiến “sơ khai” đã nghĩ ngay đến tay nghề, trình độ của người lao động song ít quan tâm đến tư duy năng lực lãnh đạo quản lý của đội ngũ công chức còn thấp, lơ là, thiếu trách nhiệm. Đó là bởi trong bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn những cán bộ, đảng viên thiếu “soi”, và “tự sửa” mình; vẫn còn đâu đó suy nghĩ “hạ cánh an toàn”. Nhưng nay, với việc lấy ý kiến nhân dân bổ sung nội dung xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác thì không thể có chuyện “hạ cánh an toàn”. Tội lỗi thì vẫn là tội lỗi cho dù người đó đã ra khỏi bộ máy. Có như thế luật pháp mới nghiêm minh, mới có tác dụng răn đe dù có muốn lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cũng không dám.
Nguyễn Tuân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét