Trong nhiều mũi tấn công quyết liệt và thâm độc của chiến lược “diễn
biến hòa bình”, thì “mũi đột phá” mà các thế lực thù địch chọn là lĩnh vực tư
tưởng, văn hóa. Trong mặt trận nóng bỏng này, chúng ra sức sử dụng các phương
tiện truyền thông hiện đại, nhất là Internet, các blog để chuyển tải thông tin,
quan điểm sai trái, thù địch nhằm tạo ra “vùng trống” để cán bộ, đảng viên và
nhân dân “tự chuyển hóa”...
Nguy hiểm và phức tạp nhất hiện nay là tổ chức “Việt Tân” (tháng
10-2016, Bộ Công an đã chính thức công bố “Việt Tân” là tổ chức khủng bố) đã
triệt để lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, lôi kéo, kích động chống phá
Việt Nam. Tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội và
liên kết với nhiều tài khoản của các hội, nhóm, cá nhân chống đối để tiến hành
các “chiến dịch” tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta, đả kích chế độ xã
hội chủ nghĩa, kích động, lôi kéo người dân biểu tình gây ảnh hưởng an ninh
chính trị ở nước ta. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, “Việt Tân” cập nhật thông
tin cá nhân của người dùng, như địa chỉ email, số điện thoại, năm sinh, địa
chỉ, bạn bè, người thân... để tiến hành hoạt động tuyên truyền, kích động chống
đối Đảng, Nhà nước ta. Đáng lo ngại hiện nay là số người dùng mạng xã hội ở
Việt Nam kết bạn hoặc thích (like), bình luận (comment), a dua a tòng trước
những bài viết phản động trên những trang này không ít...
Để phòng, chống hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
trên không gian mạng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm
túc Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu,
hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng,
văn hóa. Phát huy vai trò và hiệu quả của Ban Chỉ đạo 94, chú trọng xây dựng
các lực lượng nòng cốt trong các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền
hình tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh
vực tư tưởng, văn hóa, phản bác kịp thời, có hiệu quả các quan điểm sai trái,
thù địch; đấu tranh chống các luận điệu phủ định, bóp méo chủ nghĩa Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước; vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng,
Nhà nước ta nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối chia rẽ nội bộ Đảng, chia
rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện nghiêm túc Nghị định
72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và
thông tin trên mạng”. Đổi mới tổ chức, quản lý thông tin để khai thác có hiệu
quả những lợi ích của thông tin đem lại; đồng thời ngăn chặn kịp thời những
thông tin độc hại của “diễn biến hòa bình”. Kiểm tra, kiểm duyệt chặt chẽ,
không để lọt các tin, bài, hình ảnh có nội dung xấu xuất hiện trên các Website
chính thống, gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham
gia đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên Internet. Công tác tư tưởng cần
thông tin kịp thời âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với
cách mạng nước ta, trong đó có âm mưu chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn
hóa, thông qua đó giúp nhân dân hiểu đúng, nắm chắc tình hình, không bị nhiễu
loạn thông tin, hoặc bị mắc mưu xuyên tạc.
Tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất, kinh
phí cho đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, nhất là kinh phí cho hoạt
động của Ban Chỉ đạo 94, các lực lượng nòng cốt, chuyên sâu, các cơ quan thông
tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình. Sơ kết, tổng kết và khen thưởng các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”
trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa./.
Thanh Cảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét