Trong bối
cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và công nghệ thông tin đang phát
triển mạnh mẽ, sự bùng nổ mạng internet, mạng xã hội,... bao trùm trên phạm vi
toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, bảo vệ đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước
ta.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tăng cường sử
dụng các website, các trang mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến để đẩy mạnh các
hoạt động chống phá, gây mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội của
đất nước. Gần đây nổi lên việc đăng tải các thông tin xuyên tạc, bóp méo sự
thật về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, công tác chuẩn bị
Đại hội XIII của Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng; nói xấu các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lợi dụng một số vụ việc phức tạp, nổi cộm để suy diễn,
kích động chống đối chính quyền; kêu gọi biểu tình phản đối việc triển khai
giải phóng mặt bằng các dự án kinh tế, việc tàu Hải Dương 8 - Trung Quốc xâm
phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Trên mạng xuất hiện các tài khoản Facebook
ảo, tán phát thông tin xấu độc, thậm chí sửa chữa làm sai lệch nội dung văn bản
cơ quan quản lý nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin trong nhân dân. Một số báo
điện tử của cơ quan báo chí Trung ương tập trung khai thác, phản ánh một số sự
kiện, vụ việc nhạy cảm, nổi cộm xảy ra, với số lượng bài viết nhiều, thiếu định
hướng tư tưởng và dư luận xã hội; nhiều người, trong đó có cán bộ, đảng viên
lợi dụng các thông tin đó để tán phát, phụ họa, bình luận… làm cho vấn đề trở
nên nóng và phức tạp hơn… ảnh hưởng không tốt đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ
chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Nhận thức rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường
xuyên, quan trọng của Đảng, thời gian qua, cấp ủy và tổ chức Đảng rất chú ý,
quan tâm đến công tác này, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai
quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch trong tình hình mới” và Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư về “Chỉ đạo
đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật,
xấu độc trên internet, mạng xã hội”; thành lập các trang, nhóm Facebook, nhóm
Zalo; tổ chức các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin
để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thông tin xấu, độc; rà soát, phát hiện, tổ chức đấu tranh xử lý với
các trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải tin bài bịa đặt,
sai sự thật…
Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức việc
lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng; lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nghiệp vụ; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn
vị, trong công tác thông tin, tuyên truyền, xử lý những vấn đề nhạy cảm, nổi
cộm xảy ra trên địa bàn còn chậm, thiếu chặt chẽ; một số đảng viên, công chức,
viên chức và nhân dân chưa nhận thức và phân biệt thông tin xấu độc, đã chia
sẻ, bình luận, tán phát trên mạng xã hội.
Trong thời gian tới, để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các tổ chức phản động, cơ hội
chính trị; các
cấp ủy đảng cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
trung tâm của đơn vị mình.
Một là, chủ động nắm chặt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, trước hết
là những sự kiện, vụ việc nóng, bức xúc trong nhân dân để kịp thời xử lý, không
để các thế lực phản động, thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc hoặc kích
động, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Báo, đài, các trang thông tin điện tử
đăng tin, bài, kịp thời thông tin làm rõ những vấn đề người dân quan tâm, giải
thích, định hướng tư tưởng theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật
Nhà nước.
Hai là, tiếp tục xây dựng, củng cố và mở rộng lực lượng đấu tranh trên
không gian mạng, nhất là lực lượng chuyên trách tinh gọn, đủ mạnh; quan tâm
việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, trang bị phương tiện phù
hợp; các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, nhận diện, xử lý thông tin
xấu độc trên internet, mạng xã hội.
Ba là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách,
pháp luật Nhà nước; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân đưa tin sai sự thật
trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…); kiểm điểm, phê bình, thi hành kỷ
luật nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn, tung tin thất
thiệt, gây rối nội bộ.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp,
nhất là bí thư cấp ủy trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị
- xã hội, các cơ quan báo chí tỉnh,… tăng cường phối hợp thông tin tuyên truyền
Luật An ninh mạng, đảm bảo việc khai thác, sử dụng mạng xã hội đúng quy định
pháp luật và có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần
thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết
Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Nguyễn Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét