Trước những diễn biến phức tạp về vấn nạn tin giả, Chính phủ vừa
ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao
dịch điện tử.
Đáng chú ý, Nghị định mới quy định rõ hơn các quy định về trách
nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu
đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả
mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan,
tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt,
gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh
bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Bên cạnh đó, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ
thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp
với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ
hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng sẽ bị phạt tiền từ 10-20
triệu đồng. Mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết
lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí
mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...
Quy định mới với các chế tài xử phạt nặng được kỳ vọng giúp răn đe
và ngăn chặn tình trạng tung tin giả, thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư
luận như trong thời gian vừa qua.
Rõ ràng, trước “ma trận” thông tin thật giả lẫn lộn, bên cạnh việc
vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi công dân cần tự trang
bị những kiến thức về mạng xã hội, có ý thức, trách nhiệm trước mỗi phát ngôn,
bình luận hay chia sẻ trên mạng xã hội thì chắc rằng những thông tin tiêu cực,
nhiễu độc sẽ không còn đất sống./.
Lê Hào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét