Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

ĐẤU TRANH VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN THÀNH TỰU NHÂN QUYỀN VIỆT NAM



Trong thế giới hiện đại, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại, là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu... Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện nhân quyền là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế hay sự khác biệt về văn hóa, dân tộc, phạm vi lãnh thổ quốc gia.
Đối với Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ cách mạng dân tộc, dân chủ đến công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tế những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân; coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Vì vậy, tình hình nhân quyền tại Việt Nam từng bước có những cải thiện tích cực, bảo đảm sự hài hòa thống nhất giữa các quy định pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế.
Thế nhưng thời gian qua, một số đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam ráo riết tìm mọi cách xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Có không ít kẻ cơ hội chính trị lợi dụng internet, viết blog tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, chống phá chế độ, chính quyền nhân dân, lu loa rằng “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “ngăn cản hoạt động tôn giáo”... Trên một số diễn đàn quốc tế đa phương và song phương, có nước vẫn giữ thái độ thiển cận luôn xoáy vào vấn đề cho rằng, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam hiện nay không còn phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, đòi Việt Nam thay đổi cách tiếp cận theo quan điểm nhân quyền của họ.
Phải thấy rằng, từ trước tới nay, sự đánh giá sai lệch, luận điệu vu cáo, xuyên tạc về nhân quyền Việt Nam của các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài và một số người bất mãn, cơ hội ở trong nước thường chỉ dựa trên lối tư duy thiển cận, cách nhìn méo mó với những luận điệu cũ rích, thâm thù, tức tối dai dẳng trước sự phát triển của đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ luôn tìm mọi cách xuyên tạc hòng phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đạt được trong hơn 30 năm đổi mới đất nước. Phải chăng, họ đang sợ một sự thật là Việt Nam lần đầu tiên được Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 68) bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, đánh dấu sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực thực thi quyền con người của Việt Nam? Hay như mới đây Việt Nam lại một lần nữa được bầu thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với kết quả cho thấy có tổng cộng 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu cho Việt Nam, Trong khi đó, con số tối thiểu để giành chiến thắng chỉ cần trên 2/3 số phiếu (tức trên 129 phiếu)… Họ sợ cộng đồng quốc tế ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… cũng đồng nghĩa giáng một đòn mạnh mẽ vào dã tâm của những kẻ chuyên “bới lông tìm vết” để bóp méo sự thật tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Dù rằng các thế lực thù địch, kể cả những người đang được thụ hưởng thành quả của công cuộc Đổi mới, song lại quay lưng với dân tộc để cổ súy cho những kẻ xuyên tạc, bịa chuyện, vu cáo, lái hướng dư luận quốc tế hiểu sai tình hình nhân quyền Việt Nam, song sự thật hiển nhiên là trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, toàn dân Việt Nam luôn đồng lòng với Đảng và Nhà nước, đoàn kết nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách để làm nên những thành tựu bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, tiếp tục khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; đồng thời bổ sung nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình mới của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt các tội ác A-pác-thai; Công ước về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại… Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Chính sách việc làm… Trong hầu hết các khuôn khổ đối thoại và hợp tác về quyền con người cả song phương lẫn đa phương, các nước và các đối tác quốc tế đều đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam đạt được trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Việt Nam chú trọng tăng cường cơ chế đối thoại và hợp tác về vấn đề quyền con người hằng năm với nhiều nước, trong đó có Mỹ, EU, Ô-xtrây-li-a, Na Uy, Thụy Sĩ… Việt Nam cũng đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia (11-2012)…
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước thời hạn năm; được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo... Những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam vào mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền, là sự chứng thực Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân không chỉ thể hiện ở việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến quyền con người mà được thực hiện trên tất cả các mặt như: Tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục./.
Minh Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét