Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

TÔN GIÁO GẮN LIỀN VỚI DÂN TỘC




Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, được sinh ra, lớn lên trong xã hội nên quá trình phát triển của nó có quan hệ mật thiết và liên tục với sự phát triển của xã hội. Xã hội ảnh hưởng tới sự phát triển của tôn giáo vừa trực tiếp, vừa gián tiếp.
Là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo, tín ngưỡng nhưng với truyền thống văn hoá thống nhất trong đa dạng của mình, truyền thống tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trong lịch sử Việt Nam chưa từng xảy ra chiến tranh tôn giáo, chiến tranh sắc tộc. Và mỗi khi có ngoại xâm, thì tất cả các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam lại đoàn kết bên nhau, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, cùng nhau chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cái tạo nên sức mạnh cho dân tộc Việt Nam đánh thắng bất kì kẻ thù xâm lược nào chính là bề dày văn hoá dân tộc và đó cũng chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh cho chúng ta thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Một đặc điểm nổi bật của tôn giáo Việt Nam là tính nhập thế, gắn đạo với đời. Tư tưởng này không chỉ được thể hiện trong quá khứ mà tiếp tục duy trì trong thời hiện đại. "Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội", "Kính chúa, yêu nước", "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "Nước vinh, đạo sáng", "Tốt đời, đẹp đạo", v. v … luôn là những phương châm hành động của chức sắc và tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam. Tính nhập thế của các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn liền với tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội công bằng vì hạnh phúc của mọi người. Tôn giáo đã có những đóng góp không nhỏ trong văn hoá và phát triển của xã hội Việt Nam.
Chính vì những đóng góp của tôn giáo trong văn hoá và phát triển ở Việt Nam mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chính sách văn hoá đối với tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ rất lâu đã nhận thấy cái cốt lõi đáng quý của tôn giáo là "mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội".
Đối với vấn đề tôn giáo, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta". Đây là quan điểm mới nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam về lí luận tôn giáo. Điểm mới thứ hai của Đảng về lí luận tôn giáo là sự khẳng định: "Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới". Sự khẳng định này chính là cách tiếp cận tôn giáo dưới góc độ văn hoá vì theo quan điểm của Đảng, đạo đức là một thành tố của văn hoá. Trước đó trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng ta đã khẳng định cần "phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức của tôn giáo". Trong văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, phần Những nhiệm vụ cụ thể có Nhiệm vụ thứ 8 – chính sách văn hoá đối với tôn giáo, ghi rõ: "Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện… trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục khắc phục tệ mê tín dị đoan; chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu".
Như vậy là đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo rất nhất quán, có sự kết hợp hài hoà giữa niềm tin tôn giáo với tinh thần yêu nước, động viên các tín đồ và chức sắc tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, phát huy những giá trị đạo đức, văn hoá tôn giáo tốt đẹp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, đẩy lùi các hủ tục, đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo để thực hiện các ý đồ chính trị đi ngược lại lợi ích của toàn dân tộc.
Ánh Dương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét