Thực ra không phải bây giờ mà từ lâu các
thế lực thù địch, phản động luôn coi vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo là một trong
những trọng điểm của âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng
Việt Nam. Vì vậy, khi có điều gì đó liên quan đến các tôn giáo, các đối tượng
luôn tìm mọi cách để biến “đốm lửa nhỏ” thành “ngọn lửa to” nhằm thu hút sự
quan tâm của một số cơ quan, tổ chức, lực lượng vốn không có thiện chí với Việt
Nam để cùng nhau “đồng thanh tương ứng” xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam. Mặc dù vụ việc xảy ra ở chùa Ba Vàng là do bản thân một số
người lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi
chứ không phải do sự tác động của chính quyền; nhưng do sự hiềm khích với chính
quyền đã “ăn sâu” vào máu của những kẻ chống phá nên chúng chẳng tìm ra được
căn cứ, bằng chứng gì thì cứ nói theo kiểu “lấp liếm, lu loa” để đánh lạc hướng
dư luận và làm “mồi nhử, thả thính” đối với người nhẹ dạ cả tin! Do vậy, thủ
đoạn này không thể xem thường.
Đảng, Nhà nước Việt Nam nhiều lần khẳng
định, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những nhu cầu tinh thần chính
đáng của nhân dân. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc
không theo một tôn giáo nào. Nhà nước không chỉ tôn trọng, bảo hộ quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; mà còn luôn tôn trọng, bảo vệ giá trị văn
hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên,
tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng. Đồng thời, pháp luật cũng
nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức tôn giáo trong nước hoạt
động đúng giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tổ chức và trong khuôn khổ hiến pháp,
pháp luật, là điều bình thường đối với bất cứ nhà nước, chính quyền nào. Mỗi
người thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải gắn liền với thực hiện
quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của công dân. Thực tiễn ở Việt Nam cho
thấy, những năm qua, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có tinh thần dân tộc,
yêu nước, gắn bó với Tổ quốc, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đạo và đời, giữa
giáo lý, giáo luật và pháp luật. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Phật giáo
Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có nhiều đóng
góp về mặt văn hóa cho xã hội. Tuy Phật giáo không thể làm thay các chức năng
thuộc về thể chế xã hội, nhưng có thể góp phần điều chỉnh khả năng nhận thức,
khuyến khích điều thiện và ngăn chặn cái ác, lòng tham, qua đó góp phần xây
dựng nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh. Với tinh thần từ bi hỉ xả, khuyến khích
sự hài hòa, bình đẳng và phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, Phật giáo Việt
Nam đã góp phần khơi dậy và phát huy tinh thần khoan dung, dân chủ, yêu nước
thương nòi, động viên mọi người cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm “Đạo
pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”, các tăng ni, phật tử đã có nhiều hoạt động
thiện nguyện, nhân văn để góp phần làm đẹp thêm cuộc sống, xã hội. Được biết,
hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 46 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi với
1.330 trẻ em và 160 bảo mẫu; 15 trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn với 576
cụ được chăm sóc; 33 phòng khám Đông y với 206 lương y tham gia cộng tác và 10
phòng khám Tây y có với 40 bác sĩ tham gia cộng tác để khám, chữa bệnh và phát
thuốc miễn phí cho người dân nghèo.
Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp
cũng như những việc làm thiện nguyện, vì cộng đồng mà Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, các tăng ni, phật tử và cơ sở Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước đã
được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao. Điều này thêm
một lần minh chứng sinh động về việc Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng,
phát huy những giá trị nhân văn của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo để góp
phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp xây
dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thế nên, mọi cán bộ đảng viên quần chúng
cần có nhận thức đúng đắn các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
nước về bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của người dân Việt Nam tránh
để các thế lực thù địch, bọn cơ hội phản động lợi dụng vụ việc sai phạm xảy ra
trong hoạt động tôn giáo của một ngôi chùa để bôi nhọ hình ảnh Phật giáo Việt
Nam là một hành vi xúc phạm đến giới tăng ni, phật tử cả nước, xúc phạm đến
niềm tin thiêng liêng của người dân Việt Nam vào giá trị nhân văn của đạo Phật,
xúc phạm đến sự đóng góp nhiều mặt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với xã
hội, đất nước.
Khắc Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét