Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trong giai đoạn hiện nay.



Vậy, “quan điểm sai trái, thù địch” là gì? Xét trên phạm vi rộng, quan điểm sai trái, thù địch có thể hiểu là những nhận thức, suy nghĩ, thái độ trái ngược với lập trường, quan điểm, lợi ích của giai cấp thống trị và hệ thống chính trị cầm quyền. Xét trên phạm vi hẹp: ở Việt Nam quan điểm sai trái, thù địch có thể hiểu là những nhận thức, quan điểm trái ngược với lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, đối lập nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam (cốt lõi Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) và xuyên tạc nhà nước XHCN Việt Nam, được thể hiện qua các hành vi tuyên truyền xuyên tạc, đăng tải thông tin, bài viết có nội dung xấu, độc hại, bịa đặt, vu cáo, tung tin sai sự thật... nhằm gây rối loạn thông tin, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Còn “đấu tranh phản bác”? Hiện nay, trong hệ thống lý luận của Đảng và các công trình nghiên cứu khoa học chưa có một định nghĩa cụ thể, chính thống về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Từ những tiếp cận khác nhau và thực tế công tác đấu tranh của các lực lượng trong hệ thống chinh trị hiện nay, có thể hiểu: Đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa những thông tin, quan điểm xuyên tạc, không đúng sự thật, đi ngược lại với quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước XHCN Việt Nam và Nhân dân Việt Nam. Vạch trần những âm mưu, hoạt động phá hoại nội bộ Đảng, Nhà nước, phá hoại mối đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH. Đấu tranh phản bác là một bộ phận của công tác đấu tranh phòng chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận an ninh tư tưởng, văn hóa.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay, đó là, trong thực tế, nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có nơi, có lúc còn nhiều vấn đề tồn tại, còn xuất hiện ý kiến, quan điểm khác nhau. Đây là điều tất yếu. Do vậy, cần phân biệt rõ những “ý kiến khác” với những “quan điểm sai trái, thù địch” để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác; đảm bảo trúng và đúng đối tượng đấu tranh.
Từ thực tế, có thể thấy rằng: Động cơ, mục đích của “quan điểm sai trái, thù địch” thường do có tư tưởng hận thù cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam nên chúng dùng mọi thủ đoạn để chống Đảng; nhằm phá hoại tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, hỗn loạn trong các tầng lớp nhân dân về tư tưởng, từng bước làm suy yếu niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị và xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Còn động cơ, mục đích của “ý kiến khác” là nêu và phân tích những tồn tại, hạn chế, những yếu kém, bất cập trong quản ký kinh tế, xã hội và vai trò của các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị nhằm góp ý, xây dựng.... Một số ý kiến khác xuất phát từ trình độ nhận thức hạn chế, do phương pháp tư duy đơn giản, không biện chứng, do ngộ nhận hoặc chịu ảnh hưởng nhất định của những quan điểm sai trái chứ không phải là thế lực thù địch. Vì thế qua việc nhận thức, phân biệt thông tin “quan điểm sai trái, thù địch” với “ý kiến khác”, lực lượng thực hiện công tác đấu tranh cần có phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp, cụ thể: Đối với quan điểm sai trái, thù địch trong và ngoài nước, chúng ta phải đấu tranh, phê phán mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không mơ hồ, không thỏa hiệp. Các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta, vì dã tâm của chúng là không thay đổi. Còn đối với cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, cần xác định đây là vấn đề bất đồng trong nội bộ ta, cũng cần phải đấu tranh, phê phán, làm rõ đúng sai thông qua đối thoại, trao đổi, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận, không đẩy họ về phía các thế lực thù địch mà cố gắng lôi kéo họ về phía ta; phê phán các quan điểm sai trái chứ không phê phán con người, xúc phạm, đả kích cá nhân. Thông qua phê phán, cũng phải xem lại mình, xem lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có chỗ nào không đúng, cần phải bổ sung, hoàn thiện; những nội dung nào thực hiện chưa tốt cần phải chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn để giải tỏa bức xúc của nhân dân và cán bộ, những nội dung nào có vấn đề hoặc chưa rõ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như vậy sự phê phán đã chuyển thành tự phê phán, sự phê phán tiêu cực đã chuyển thành phê phán tích cực.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng chính là sự khẳng định lập trường của Đảng và Nhà nước ta trước những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước, từ đó củng cố nhận thức chính trị, giữ vững thế trận lòng dân, đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn. Cùng với đó là phối hợp làm tốt công tác vận động quần chúng, tăng cường và nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện tốt phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, tích cực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp sự đồng thuận xã hội trong cộng đồng dân tộc, củng cố và tăng cường thế trận lòng dân vững chắc. Góp phần bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân, tăng cường sức đề kháng làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch
Quốc Hiền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét