Trong cơn hấp hối của chế độ Sài Gòn, chính trường Sài Gòn tháng 4/1975 vẫn rộn lên những đợt sóng ngầm của các thế lực cả trong và ngoài nước.
SÀI GÒN TRANH TỐI TRANH SÁNG
Sau khi để mất Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung,
Nguyễn Văn Thiệu đã nhìn thấy sự sụp đổ trong nay mai của chế độ Sài Gòn. Về
phía Cách mạng, sau thắng lợi ở Tây Nguyên, Đảng đã nhìn rõ và quyết tâm chớp
thời cơ tiến lên giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Nhưng vào lúc đó, ở Sài Gòn, giới chính trị vẫn tin
vào một giải pháp với “lực lượng thứ ba” có thể trì hoãn được bước tiến của
quân Giải phóng. Người Mỹ cũng cho đó là một con bài tốt. Bởi vậy họ lập tức
tìm cách nắm lấy nó với hy vọng nếu thành công thì họ vẫn còn ảnh hưởng ở miền
Nam sau khi Thiệu sụp đổ.
Bây giờ Mỹ mới quay lại với những tuyên bố phản đối
Thiệu của Hà Nội và tin rằng Thiệu là sự cản trở duy nhất cho cuộc nói chuyện
với Hà Nội. Với ý nghĩ như vậy, Mỹ ép Thiệu phải từ chức vào ngày 21/4/1975 để
Trần Văn Hương lên làm Tổng thống.
Thiệu ra đi để lại một khoảng trống quyền lực và ngay
tức khắc, tạo ra một cuộc tranh giành giữa các phe phái trong giới chính trị
Sài Gòn.
Đầu tiên là Trần Văn Hương. Ông lão 70 tuổi này là Phó
Tổng thống dưới thời Thiệu. Theo Hiến pháp chế độ Sài Gòn, Hương lên làm Tổng
thống thay Thiệu. Tuy nhiên, Hương chưa yên tâm vì Thiệu vẫn còn ở Sài Gòn.
Lấy lý do rằng nếu để Thiệu ở lại có thể phía bên kia
sẽ cho rằng Chính phủ của Hương chỉ là một “chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”.
Do vậy, Hương tìm cách đẩy Thiệu rời Việt Nam.
Để thuận tiện, Hương ký nghị định cho Thiệu làm đặc sứ
chế độ Sài Gòn sang Đài Bắc phúng điếu Tưởng Giới Thạch vừa qua đời. Tối 25/4,
Thiệu đã rời Sài Gòn sang Đài Loan trên máy bay Mỹ. Và để chứng tỏ mình có thực
quyền, ông Hương đã yêu cầu gỡ bỏ hết các áp phích chống cộng đồng thời cử
người đến trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất nói chuyện với phái đoàn của
Chính phủ CMLT nhưng không đem lại kết quả gì.
Một thế lực khác được coi như đại diện “lực lượng thứ
ba” là phe nhóm của tướng Dương Văn Minh. Theo hồi ký của dân biểu Lý Qúy Chung
– một thành viên trong nhóm, từ đầu tháng 4, phe nhóm này đã bàn bạc và hạ
quyết tâm giành lấy quyền lực chính trị ở Sài Gòn để thương lượng với Hà Nội và
Chính phủ cách mạng lâm thời về một giải pháp chính trị cho miền Nam.
Cũng theo hồi ký của ông Chung và một vài người khác
trong nhóm sau này khẳng định mục đích của họ chỉ nhằm đi đến chấm dứt chiến
tranh để máu không còn phải đổ nữa. Để thực hiện việc đó họ dự liệu các biện
pháp: hoặc thương lượng, hoặc bàn giao chính quyền hoặc là đầu hàng.
Tuy nhiên, nhiều thông tin khác cũng chỉ ra rằng vào
ngày 28/4 khi ông Minh lên nắm quyền ông đã không đầu hàng ngay mà vẫn hi vọng
vào một giải pháp chính trị. Điều này thể hiện trong câu chuyện giữa ông Minh
và viên tướng Timmes.
Cuốn sách của Nguyễn Hữu Thái viết: “Ngay trong sáng
hôm đó (28/4), một nhân viên CIA cao cấp và là người quen biết lâu năm của
tướng Minh là tướng Timmes đến chào xã giao. Khi hỏi tướng Minh còn có thể làm
được gì với tình hình hiện nay. Ông Minh nói nghiêm chỉnh rằng còn có giải pháp
và trình bày vắn tắt ý đồ của ông. Nghe xong, tướng Timmes thở dài và nghĩ
rằng: Cho đến lúc này mà tướng Minh vẫn còn ảo tưởng bám lấy ý đồ không tưởng
đó của Pháp”.
NHỮNG NGƯỜI PHÁP "MỌNG DU"
Những ngày cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, các đại
sứ quán phần lớn di tản khỏi Sài Gòn nhưng sứ quán Pháp thì lại hoạt động tích
cực hơn bao giờ hết. Thông qua ông đại sứ Mérillon, Chính phủ Pháp tích cực vận
động một giải pháp chính trị cho miền Nam. Họ cũng cử một viên tướng già tên là
Vanuxem giả danh ký giả của báo Carrefour (Ngã Tư) đến Sài Gòn để giúp sức
Mérillon.
Ông Mérillon tuyên bố: “Chính phủ Cách mạng lâm thời
xác định họ mong muốn thương thảo để có được một sự chấm dứt êm đẹp cho cuộc
chiến. Bản thân người Pháp cũng muốn đóng vai trò tích cực nhằm tránh một cuộc
tắm máu tại Sài Gòn”.
Nhưng mục đích thật sự của Pháp chỉ là kéo dài thời
gian, làm chậm bước tiến của quân Giải phóng để tạo ra một chính phủ trung lập
ở miền Nam. Sâu xa hơn, người Pháp muốn quay lại lấp chỗ trống ở xứ này sau khi
Mỹ rút đi. Họ sẽ lợi dụng những người thuộc lực lượng thứ ba thân Pháp để làm
suy giảm thế lực cách mạng và kéo dài một chế độ miền Nam kiểu cũ trong vòng
tay Pháp.
Đợt hoạt động ngoại giao của Pháp cũng đã được nhà sử
học Gabriel Kolko nhắc đến trong cuốn Giải phẫu một cuộc chiến tranh. Kolko
viết: “Trong lĩnh vực ngoại giao, có một đợt hoạt động liên tục. Người Pháp bây
giờ tích cực nhảy vào cuộc và được những nhà chính trị đầy mưu đồ của Sài Gòn
giúp đỡ nhằm thiết lập lại ảnh hưởng của họ trên thuộc địa cũ. Sau khi Buôn Ma
Thuật bị mất, Pháp đề nghị với Cộng sản một phương án mới gạt Thiệu và thi hành
Hiệp định Pa-ri”.
Cách mạng cũng không lạ gì tâm địa Pháp nhưng những
hoạt động của họ cũng tạo ra những điều tốt nhất định cho Cách mạng. Kolko viết
tiếp: “Đảng quyết định nghe họ một cách lịch sự, không làm nản lòng bất kỳ cố
gắng nào có thể làm yếu Việt Nam cộng hòa và tránh cho họ phải mất thêm sinh
mạng một cách không cần thiết”.
Cho tới khi Xuân Lộc đã mất, vòng vây quanh Sài Gòn đã
khép chặt và trận pháo kích vào Tân Sơn Nhất như tuyên bố rằng giờ đây mọi
thương thảo là không còn giá trị thì người Pháp vẫn ngoan cố vận động. Theo
Nguyễn Hữu Thái đến tận sáng 30/4 người Pháp vẫn chưa từ bỏ ý định của mình mà
vẫn còn khuyên tướng Minh cầu viện ngoại bang để duy trì miền Nam.
Ông Thái kể: “Vanuxem cho biết ông muốn hiến kế cho
ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn. Theo Vanuxem, nên
lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, và chỉ cần có một yêu cầu
chính thức của chính quyền miền Nam là cường quốc này sẽ can thiệp ngay”. Nhưng
Dương Văn Minh trả lời thẳng thừng rằng trong đời ông ta đã làm tay sai cho
Pháp rồi cho Mỹ và bây giờ ông không muốn làm tay sai cho một nước nào nữa.
Như thế, trong 10 ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn,
trước diễn biến tất yếu của lịch sử, vẫn còn nhiều thế lực ngoại bang thèm muốn
miền Nam. Có nước lại còn buồn bực vì Việt Nam đã thống nhất.
Trong hoàn cảnh đó, tất nhiên nếu ông Dương Văn Minh
giữ đầu óc hiếu chiến hạ lệnh cho quân đội quyết chiến thì cũng không thể xoay
ngược bánh xe lịch sử. Có hai nguyên nhân căn bản. Thứ nhất thế và lực của quân
Giải phóng là áp đảo không gì cản nổi. Thứ hai chính lực lượng quân Sài Gòn
cũng không còn bao nhiêu. Trong số ít ỏi đó cũng chỉ có một số rất ít là có đầu
óc hiếu chiến và sẵn sàng tử chiến còn phần lớn đã rã ngũ để về lo cho gia đình
mình. Tuy nhiên, ý nghĩa trong quyết định đầu hàng của ông Minh là giúp cho máu
của người Việt Nam bớt đổ như cách nói của tướng Nguyễn Hữu Hạnh là “Không nên
để đổ máu ở giờ thứ 25”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét