Sau 37 năm tiến hành sự nghiệp
đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa đến những thay đổi về
chất trong thế và lực của đất nước. Để có được kết quả như vậy là do Đảng ta đã
quyết tâm chỉ đạo quá trình triển khai sự nghiệp đổi mới toàn diện và công tác
đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong
toàn bộ những thành tựu chung của đất nước ta, góp phần nâng cao vị thế, uy tín
quốc tế của Việt Nam.
Trong các
bài viết, bài phát biểu, đặc biệt tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta
chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những
thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình
nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng
ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu
thế phát triển của thời đại”. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn
2021 - 2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa,
đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu
quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín
quốc tế của Việt Nam”.
Để khẳng định
được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Việt Nam đã và đang phấn đấu dần
đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hoà giải,
sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có
tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ
thể. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả
các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Uỷ viên Thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc
gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Việt
Nam đã gia nhập ASEAN năm 1995; ASEM năm 1996; APEC năm 1998; WTO năm 2007;
CPTPP năm 2018. Đã đăng cai thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái
Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017; hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai năm
2019… Việt Nam là một thành viên tích cực của hầu hết các văn kiện cơ bản về
quyền con người của Liên hợp quốc và đã được bầu là thành viên của Hội đồng
nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tiếp tục ứng cử và đã được các
nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN tham gia ứng cử vị trí
thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Đặc biệt,
Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên
hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, nhiệm kỳ 2020 - 2021 (nhiệm kỳ 2020 - 2021
đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu). Đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội
đồng bảo an ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020), Việt Nam đã
tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh
một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận,
tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các tranh chấp, xung đột... Việt Nam đã để lại
những dấu ấn riêng rất cụ thể như: Lần đầu tiên thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tổ
chức đối thoại ASEAN - Liên hợp quốc, qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nâng tầm
ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu.
Từ năm
2014, Việt Nam đã cử sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của
Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi và cử 2 bệnh viện dã chiến
cấp hai tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại hai quốc
gia này. Cuối năm 2018, Việt Nam được Liên hợp quốc lựa chọn làm địa điểm huấn
luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Ngày 13-11-2020, Quốc hội Việt Nam đã
thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,
có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Đây là bước đi thể hiện sự đóng góp ngày càng có
trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Là một
trong những nước thành viên sáng lập ASEM, Việt Nam tích cực đóng góp vào những
nỗ lực chung nhằm bảo vệ hòa bình, chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ
trang dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia,
không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tăng cường hiểu biết và tin
cậy lẫn nhau, vì hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, thịnh
vượng ở khu vực và trên thế giới, xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế
dân chủ, công bằng. Bên cạnh đó, trong các vấn đề khác như môi trường, nhân quyền,
phát triển nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống y tế, an ninh lương thực..., Việt
Nam cũng đóng góp tiếng nói tích cực để giải quyết những vấn đề phức tạp này.
Kể từ khi
đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, tất cả các quốc gia đều phải “gồng
mình” ứng phó với dịch bệnh, trong đó có Việt Nam. Ngay từ những giai đoạn đầu
bùng phát dịch bệnh, bên cạnh việc chia sẻ các kinh nghiệm trong phòng, chống dịch
bệnh, Việt Nam đã triển khai thực hiện những hoạt động viện trợ tích cực về vật
tư, thiết bị y tế cho các hoạt động chống dịch của các quốc gia khác trong khu
vực cũng như trên thế giới, trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn
Quốc và Trung Quốc… Đặc biệt, với một số nước ASEAN như Lào và Campuchia, ngoài
sự viện trợ về vật tư, thiết bị y tế, như máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang y
tế, hệ thống xét nghiệm và bộ xét nghiệm, Việt Nam còn cử các đoàn chuyên gia y
tế sang hỗ trợ các nước chống dịch. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vẫn tiếp
tục hoành hành với sự xuất hiện của biến thể mới, những hoạt động này càng cho
thấy tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, gửi đi thông
điệp về tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau khi sẵn sàng chia sẻ, đồng hành
cùng các nước chống dịch.
Những ngày
qua, trước những thảm họa động đất xảy ra tại hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Sirya
với số lượng người thiệt mạng hơn 46.000 người, trong các ngày 9/2 và 12/2/2023, Đảng và Nhà nước ta đã
có những trách nhiệm cụ thể bên cạnh hỗ trợ mỗi quốc gia 100.000 đô la, Việt
Nam đã cử các đoàn công tác gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội và công an sang
Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều vật tư, thiết bị để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn
tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ
và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã, đang và sẽ theo dõi sát
tình hình, chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực như cử cán bộ trực tiếp
có mặt tại thực địa, hỗ trợ sát sao các đoàn cứu hộ, cứu nạn từ trong nước,
quyên góp ngày lương, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết và tích cực hỗ trợ các nạn
nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất theo khả năng và tình hình thực tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét