Lợi dụng việc Đảng ta đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, xử lý
hình sự một số cán bộ cấp cao của Đảng. Đặc biệt công cuộc PCTN càng trở nên
“nóng” hơn với khởi nguồn từ vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á, trên trang
“Rfavietnam”, Ban biên tập Đài RFA đưa tin với tiêu đề “Mặt trái chống tham
nhũng”. Bài viết cho rằng, “cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng
sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh
hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu. Cuộc chiến chống tham
nhũng ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc
đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức Chính phủ khác lo ngại không dám
làm, sợ sai, sợ bị điều tra tham nhũng”….,
Thực chất giọng điệu trên là những tư tưởng phiến diện, lệch lạc
được các thế lực thù địch, phản động “hậu thuẫn”, cổ vũ, đội lốt “trách nhiệm”
với “vận mệnh” của dân tộc, của đất nước để chống lại công cuộc xây dựng và
phát triển đất nước ta hiện nay. Bởi tham nhũng thực sự là một nguy cơ, vấn
nạn, nếu không được ngăn chặn, loại bỏ kịp thời sẽ phá vỡ chiến lược và kế
hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho Nhà nước và người dân; làm
suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, gây ra sự bất bình, bức
xúc trong dư luận xã hội và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn, suy giảm niềm tin
của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, gián tiếp tiếp tay cho những thế lực thù
địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Có thể nói, tham nhũng như một loại dịch bệnh nguy hiểm có thể
phá vỡ bất kỳ thể chế chính trị nào. Một đảng cầm quyền còn để xảy ra tham
nhũng thì nguy cơ đánh mất quyền lực là hiện hữu. Đây là bài học xương máu đã
được lịch sử đúc rút. Thậm chí, nếu để tham nhũng tràn lan thì những cán bộ,
đảng viên trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc
sẽ không còn động lực để phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung. Bởi
vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một tất yếu, là vấn đề sinh tử, sống
còn, cấp bách của bất kỳ một đảng cầm quyền nào nếu không muốn từ bỏ vị trí
lãnh đạo của mình. Như vậy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không
như một số người cố tình xuyên tạc, mà nhằm: “góp phần quan trọng thúc đẩy phát
triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an
ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân
dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối”.
Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở
nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
lãnh đạo, chỉ đạo đã đạt được những kết quả tích cực. Phát biểu kết luận Hội
nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai
đoạn 2012 – 2022 đồng chí Tổng Bí Thư nhấn mạnh: “công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày
càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan
trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ
trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo
ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao,
được bạn bè quốc tế ghi nhận”.
Những kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp
phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nó còn là minh chứng
xác đáng để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật của các thế thù
địch về cuộc chiến phòng chống tham nhũng của Đảng và nhân dân ta.
Chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó
khăn, phức tạp. Trong lĩnh vực này dù "không có tiếng súng" nhưng
cũng đầy nguy hiểm. Nhưng chúng ta tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị, "trên - dưới đồng lòng", “dọc ngang thông suốt”, cùng với
việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được ngăn
chặn, đẩy lùi, niềm tin của Nhân dân với Đảng chắc chắn sẽ được củng cố, nâng
cao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét